Tính chung quý I năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 2%).
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động thương mại và dịch vụ đang dần phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2022 cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm 2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,1%; phương tiện đi lại tăng 5,4%; may mặc giảm 3,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 4,9%.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê chỉ ra, các nhóm ngành này tăng chủ yếu là do giá tăng khi giá nhiên liệu tăng cao. Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Quảng Ninh tăng 11,7%; Bình Dương tăng 10,8%; Hải Phòng tăng 9,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,7%; Cần Thơ tăng 7,5%; Hà Nội tăng 7,2%; Đà Nẵng tăng 3%; Khánh Hòa tăng 2,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 1%.
Đối với doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm 2022 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của một số địa phương tăng mạnh như sau: Bắc Ninh tăng 24%; Cần Thơ tăng 18,3%; Phú Yên tăng 18,1%; Lâm Đồng tăng 17,4%; Đồng Nai tăng 16,2%; Quảng Ninh tăng 7,5%. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 5,6%, Tiền Giang giảm 26,9%; Bạc Liêu giảm 15,3%.
Doanh thu du lịch lữ hành quý I năm 2022 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch, trong đó doanh thu của một số địa phương tăng cao như: Khánh Hòa tăng 279,1%; Quảng Nam tăng 71,1%; Cần Thơ tăng 50,1%; Hà Giang tăng 17,6%; Hà Nội tăng 10,6%; trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh giảm 26,8%; Đà Nẵng giảm 51,1%.
Dự báo về xu thị trường trong tương lai gần, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy chuyển đổi mô hình logistics từ truyền thống sang hiện đại; trong đó, có chuyển phát nhanh.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng đã xác định chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành chuyển phát nhanh tận dụng thời cơ và tiếp tục khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chuyển phát nhanh đang không ngừng đầu tư phát triển hệ thống, nâng cao năng lực vận chuyển.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc sinh Group cho hay, qua kinh nghiệm quản trị và vận hành doanh nghiệp cho thấy đầu tư đội ngũ công nghệ thông tin để kết nối công nghệ với nguồn nhân lực nội bộ phục vụ quản trị là vấn đề quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay; trong đó, có doanh nghiệp bán lẻ và xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, những đơn vị sản xuất, kinh doanh trong ngành thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu... dịch bệnh hay chiến tranh cũng không thể rời thị trường nên doanh nghiệp cần có nền tảng quản trị và quy mô hiện đại, đáp ứng được yêu cầu linh hoạt trong điều kiện biến động thị trường.
Để đẩy mạnh tiêu dùng, thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết. Tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả.
Ngoài ra, đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.
Song song với đó, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa…