Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 7 giảm gần 20%

Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Chú thích ảnh
Nhiều mặt hàng nông sản Việt có giá bán khuyến mãi bày bán tại siêu thị TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Theo đó, tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng 6 và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, vận tải hành khách tháng 7/2021 ước đạt 146,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa ước đạt 111,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách đạt 1.917,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn vận tải hàng hóa đạt 987,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển trong tình hình dịch COVID-19, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc điểm tình hình mới. Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng chú trọng phòng, chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ đó, góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước để thị trường bán lẻ phát triển bền vững trong tình hình mới.

Thúy Hiền (TTXVN)
Đánh giá điều kiện mở lại chợ đầu mối, mạng lưới bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh
Đánh giá điều kiện mở lại chợ đầu mối, mạng lưới bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh

Trong ngày 24/7, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND TP Hồ chí Minh đã khảo sát thực tế tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất thành phố, gồm: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn nhằm đánh giá việc phòng chống dịch COVID-19 tại ba chợ. Từ đó có phương án tổ chức trạm trung chuyển hàng hóa, kết nối lại chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại khu vực phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN