Tối ưu hóa nguồn kiều hối

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dòng kiều hối tại Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây do yếu tố lịch sử, kinh tế và chính sách thu hút kiều hối của Chính phủ. Dù vậy, vấn đề tối ưu hóa kiều hối để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vẫn chưa thực hiện tốt trong thời gian qua.

Tác động của kiều hối

Ông Nguyên Kim Anh, Phó thống đốc NHNN nhận định, đóng góp cho dòng kiều hối trong 22 năm qua phải kể đến hơn 500.000 lao động xuất khẩu và khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài như Mỹ (55%), Pháp (7,5%) và Australia (7,5%)... đã gửi tiền về Việt Nam. Có thể thấy, giai đoạn 2002 - 2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP, trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP. Như vậy, trong những năm qua dòng kiều hối đã trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển. 

Ở góc độ vĩ mô, PGS.TS Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, dòng kiều hối còn giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của những người nhận kiều hối, thể hiện thông qua việc hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp, đặc biệt là đầu tư sản xuất kinh doanh. Mặt khác, theo các chuyên gia tài chính của Học viện Ngân hàng, ngân hàng cũng được hưởng rất nhiều lợi ích từ dòng kiều hối khi được xem là kênh chuyển tiền chính thức.

Tính từ năm 1993 đến năm 2015, kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần, từ 0,14 tỷ USD lên 13,2 tỷ USD. Nhờ vậy, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là quốc gia đứng thứ 3 tại châu Á và thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối.

Cụ thể, kiều hối sẽ giúp các ngân hàng có nguồn tiền tệ dồi dào, đồng thời giúp các tổ chức tài chính, tín dụng chính thức tiếp cận với các hộ gia đình có thu nhập thấp dễ dàng hơn, từ đó cung cấp cho họ các dịch vụ tài chính và tạo cơ hội cho họ cải thiện thu nhập và quản lý tài sản của mình nhằm tránh rủi ro tài chính. Song song đó, những cá nhân nhận kiều hối này lại giúp gia tăng lợi nhuận cho các tổ chức tài chính, trong đó có ngân hàng thương mại qua việc phát triển hệ thống ngân hàng bán lẻ đến những người nghèo và khu vực nông thôn... Điều này cho thấy, kiều hối đang có sự tác động tích cực đến sự phát triển của nền KTXH Việt Nam.

Để tiếp tục thu hút và đẩy mạnh nguồn kiều hối chảy mạnh vào Việt Nam, thời gần đây Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách để khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt là hệ thống chính sách quản lý ngoại hối rất thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gửi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng. “NHNN đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động chi trả kiều hối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả kiều hối với mạng lưới rộng khắp cả nước. Ngoài ra, dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao với sự đa dạng các hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng”, PGS.TS Lý Hoàng Ánh cho biết thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì kiều hối cũng có những mặt tiêu cực. Theo ông Nguyên Kim Anh, đó là tình trạng đô la hóa, vấn đề tiêu dùng quá mức và hoạt động rửa tiền... Điều này gây khó khăn cho NHNN trong việc kiểm soát tiền tệ, thêm vào đó khiến lạm phát dễ xảy ra. Do đó, để tối ưu hóa nguồn kiều hối phục vụ phát triển KTXH thì cần có một hệ thống chính sách kiều hối đồng bộ và khoa học, phù hợp hơn với diễn biến và tình hình mới ở Việt Nam.

Cần thay đổi chính sách

Trước những vấn đề trên, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng cần có giải pháp đối với chính sách thu hút và chính sách sử dụng kiều hối hiện nay tại Việt Nam, từ đó tối ưu hóa nguồn kiều hối phục vụ cho phát triển KTXH.

Theo các chuyên gia tài chính của Học viện Ngân hàng, để chính sách quản lý và sử dụng kiều hối hiệu quả, cần thiết lập các tài khoản tiền gửi đặc biệt tại các ngân hàng thương mại cung cấp cho người di cư lãi suất cao trên các khoản tiền gửi của hộ. Tuy nhiên, tùy từng điều kiện cụ thể mà có thể các khoản tiền gửi được miễn thuế hoàn toàn hoặc miễn thuế một phần. Do vậy, những tài khoản đặc biệt này được coi là chính sách tiềm năng để thúc đẩy sử dụng hiệu quả kiều hối của người lao động ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ nên áp dụng và điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái phù hợp với một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, thông qua việc nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá và có thể điều chỉnh dần tỷ giá chính thức, đồng thời giảm bớt can thiệp trên thị trường ngoại hối.

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch và Ths Nguyễn Duy Việt, Học viện Ngoại giao cũng cho biết, hiện số lượng các đơn vị chi trả kiều hối đã tăng lên 23 công ty, 47 ngân hàng và người nhận kiều hối được giao tiền tận nhà, không phải đóng thuế. Thậm chí, một số ngân hàng còn mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước ASEAN thông qua hình thức mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc ngân hàng 100% vốn Việt Nam tại nước ngoài. Nhờ vậy, kiều hối về Việt Nam chịu chi phí rất thấp, bằng 0,05% khoản tiền gửi và tối đa không quá 200 USD. Điều này cho thấy các ngân hàng thương mại đã có những chính sách rất thông thoáng trong việc thu hút dòng kiều hối chuyển về Việt Nam.

Nhưng nếu để dòng kiều hối phục vụ sinh hoạt hoặc gửi ngân hàng để lấy lãi thì chưa phát huy được hết vai trò của nó trong phát triển KTXH. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên khác dành riêng cho các dự án sử dụng kiều hối. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có một bộ phận chuyên trách thu hút đầu tư qua kiều hối, thông qua đó tư vấn và tham vấn khuyến khích kiều bào trở về đầu tư trong nước.

Về biện pháp liên quan đến cải thiện tình trạng đô la hóa, các chuyên gia tài chính khuyến nghị, trước hết cần có chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ và phù hợp. Một là, không cố neo tỷ giá vào đồng ngoại tệ, phải để thị trường ngoại hối phán quyết sức mua của đồng ngoại tệ so với các đồng tiền quốc gia khách trên thị trường quốc tế. Hai là, hạn chế bán và khuyến khích mua đồng nội tệ thông qua các biện pháp như yêu cầu phải bán hết các hợp đồng kỳ hạn không có khả năng chuyển nhượng, thắt chặt trạng thái ngoại hối do mua quá mức của các ngân hàng, tăng trạng thái ngoại hối do bán quá mức của các ngân hàng, hạn mức bán USD qua thị trường giao dịch qua quầy... Ba là, kiểm soát các giao dịch ngoại hối, đặc biệt là những giao dịch tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ. Bốn là, có thể sử dụng biện pháp quản lý ngoại hối bao gồm những chính sách được sử dụng tạm thời một cách thận trọng cùng các biện pháp vĩ mô khác, nhằm chấm dứt ảnh hưởng tiêu cực của luồng vốn ngắn hạn đối với nền kinh tế. Khi đạt được mục đích, các chính sách này sẽ phải xóa bỏ.

TS Nguyễn Thị Ngọc Loan, Học viện Ngân hàng: Khuyến khích dòng kiều hổi chảy vào sản xuất

Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung là những quốc gia nghèo, vì vậy nguồn tài chính như kiều hối nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển sản xuất là vô cùng quan trọng. Do đó, việc khuyến khích dòng kiều hối vào sản xuất thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ điều kiện vay vốn ở ngân hàng hay các tổ chức tín dụng bằng cách lập một quỹ, gọi là TVEs (Township and village enterprises) như cách làm của Ấn Độ sẽ rất hay và hiệu quả. Nếu được như vậy, sẽ có một nguồn lực hỗ trợ cho DNVVN phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất của mình, qua đó có thể tạo ra nhiều hàng hóa cũng như tạo công ăn việc làm cho xã hội. Với những quỹ này, nguồn kiều hối sẽ được sử dụng trực tiếp để tạo ra tổng sản phẩm quốc dân cho đất nước thay vì đầu tư vào vàng, ngoại tệ, hay bất động sản, những lĩnh vực đầu tư không thức đẩy phát triển kinh tế.

TS Phan Thị Linh, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh: Cần có chính sách ưu đãi kiều bào

Nếu như một lượng kiều hối lớn dành để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho đất nước cũng sẽ là một kênh đầu tư hiệu quả, có ích. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn này, nếu muốn hướng nguồn tiền kiều hối vào sản xuất kinh doanh thì Nhà nước cũng nên có chính sách ưu đãi cho kiều bào. Ngoài việc nới rộng những điều kiện mạng tính thủ tục, cần làm rõ kiều bào sẽ được hưởng lợi ích gì. Khi các chính sách được thực thi, cũng cần phải khảo sát, kiểm tra xem hiệu quả của các hoạt động bằng nguồn tiền này mang lại hiệu quả như thế nào nhằm tránh lợi dụng, tiêu cực. Mặt khác, muốn hướng kiều bào đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay những hoạt động khác mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, Chính phủ cũng cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho họ hay những người thụ hưởng nguồn tiền này.


Hải Yên
Dòng kiều hối chuyển hướng chảy mạnh vào sản xuất, kinh doanh
Dòng kiều hối chuyển hướng chảy mạnh vào sản xuất, kinh doanh

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, có tới gần 3/4 trong số 2,5 tỉ USD kiều hối chuyển về được chuyển vào sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN