Thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN - Bài 3: Mong đợi được 'tiếp sức' kịp thời

Quy định cho phép 12 tháng để cơ cấu lại nợ theo tinh thần của Thông tư 03/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 2/4/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN liên quan tới quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID–19 đang được xem là chưa thực sự đáp ứng nhu cầu chung của hầu hết cộng đồng doanh nghiệp.

Vấn đề ở chỗ, dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, tình hình khó có khả năng cải thiện trong một sớm một chiều và số đông doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang phải đối diện với nhiều áp lực về thị trường đầu ra, đứt gãy chuỗi cung ứng và thậm chí buộc phải tạm ngưng hoạt động để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc... Điều đó khiến tình trạng doanh nghiệp phải chịu "đóng băng" sẽ tiếp tục kéo dài và chưa biết tới khi nào mới có khả năng phục hồi như mong đợi. 

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Phản ánh tiếng nói từ các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký từng nhiều lần kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chỉ đạo rà soát khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trên cơ sở đó, những doanh nghiệp nào dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn có những hợp đồng tốt, lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn thì khi đến kỳ trả nợ gốc và lãi sẽ được chấp nhận đề xuất khoanh lại nợ đến tháng 12/2022 mà không bị phạt; đồng thời, được loại khỏi nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian tích lũy và khôi phục dần dần nội lực nhằm phục hồi năng lực cạnh tranh để dồn sức phát triển. Điều đó được hiểu là tiếp tục giãn nợ thêm 12 tháng nữa so với quy định của Thông tư 03/TT-NHNN. 

Ông Quốc Anh cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc cơ cấu giãn nợ, vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến 31/12/2022, vì vấn đề này chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước 31/12/2020 theo quy định hiện hành. Bởi nếu chuyển nhóm nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

Trải qua đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19, những khó khăn và thách thức đang làm hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam kiệt lực. Số lượng các doanh nghiệp đăng ký giải thể, ngưng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường ngày càng đông. Các quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới được ban hành chưa lâu và cũng chưa thấy rõ ràng hiệu quả được phát huy trong đời sống thực tiễn giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động để tồn tại vào lúc này.

Các doanh nghiệp sẽ không thể yên tâm nếu khó tiếp cận được các chính sách mang tính hỗ trợ hay tiếp sức cho doanh nghiệp. Nếu ngay lúc này, Thông tư 03/TT-NHNN không sớm được điều chỉnh, sửa đổi mà có thể phải chờ đến đầu năm 2022 thì sẽ khó hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Đồng tình với những kiến nghị của ông Quốc Anh, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, thời gian qua các giải pháp hỗ trợ mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đưa ra là tương đối đồng bộ, toàn diện. Song, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế khiến cho hiệu quả đem lại chưa như mong muốn; trong đó, bao gồm cả các gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động và một số chính sách khác. 

Nguyên nhân được cho là còn bất cập ở khâu thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ nhanh để kịp thời có vốn sản xuất, kinh doanh lại phải đáp ứng các thủ tục phức tạp như lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ…

Với các thủ tục này, những doanh nghiệp lớn cũng gặp phải không ít khó khăn, chưa nói tới nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn đang là nhóm đối tượng rất cần sự hỗ trợ nhiều nhất và cũng là nhóm khó đáp ứng các điều kiện nhất của chính sách. Rõ ràng, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách.

Riêng đối với Thông tư số 03/TT-NHNN, dù là văn bản pháp luật sửa đổi những vướng mắc của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN song vẫn tồn tại không ít rào cản khiến nhiều doanh nghiệp kêu khó trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đặt ra câu hỏi "Vì sao?" và giải quyết "Thế nào?", ông Vũ Tiến Lộc bày rỏ sự băn khoăn và chờ đợi phản hồi từ cơ quan chính sách. 

Không chỉ là vấn đề cơ cấu nợ hay khoanh nợ, các điều kiện và thủ tục để được hưởng lợi từ chính sách cũng là điều khiến doanh nghiệp rất quan tâm. Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodland cho biết, các chính sách hỗ trợ được ban hành là rất thiết thực.

Trong đó, phải kể đến Thông tư 03/2021/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hải Bằng, điều kiện áp dụng cũng không dễ dàng, nếu không muốn nói là rất ngặt nghèo, khó khả thi. Các doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách này sẽ phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu.

Hiện doanh nghiệp thấy chính sách đang thiết thực nhất là việc gia hạn nộp thuế của doanh nghiệp. Tuy vẫn phải nộp thuế nhưng việc được nộp chậm cũng đã giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ giảm thuế thì sẽ thiết thực hơn nữa đối với số đông doanh nghiệp.

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ các chính sách từ văn bản tới thực tiễn được thuận lợi và phù hợp thực tế nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" của Chính phủ.

Bài cuối: Sẽ phải có sự điều chỉnh phù hợp

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN - Bài 2: Chưa đến tay nhiều đối tượng doanh nghiệp
Thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN - Bài 2: Chưa đến tay nhiều đối tượng doanh nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận những phục hồi tích cực của nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, dệt may… dù vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh và tổng cầu thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN