Việc thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 cơ bản hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Xoay quanh vấn đề này, TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết tìm hiểu về các khó khăn doanh nghiệp gặp phải cũng như kiến nghị một số giải pháp gỡ khó.
Bài 1: Để doanh nghiệp ổn định dòng tiền
Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 với 2 nội dung đáng chú ý là mở rộng phạm vi các khoản dư nợ được phép giữ nguyên nhóm nợ và lên lộ trình trích lập dự phòng rủi ro 3 năm cho các khoản nợ tái cơ cấu.
Việc bổ sung các điều kiện cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc kéo giãn thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho dư nợ tái cơ cấu đến hạn đồng loạt trong năm 2021 sẽ giúp các ngân hàng tránh được "cú sốc" sụt giảm lợi nhuận do chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến trong một khoản thời gian ngắn.
Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận, một số ngân hàng đã có những kiến nghị đề xuất sửa đổi quy định tại Thông tư 03 nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp giữa bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường.
Gặp khó về thời gian cơ cấu nợ
Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trên tinh thần thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhiều doanh nghiệp dù còn khó khăn nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn để hoạt động nên ngân hàng vẫn cần giải ngân.
Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số khoản vay được giải ngân tại thời điểm dịch bệnh có những chuyển biến tích cực nhưng một vài tháng sau đó, dịch bệnh lại bùng phát khiến doanh nghiệp gặp khó trong trả nợ. Do đó, sẽ có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020.
Thêm vào đó, có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 càng khiến khó chồng khó, sản xuất gián đoạn, dòng tiền đứt gãy. Doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục ổn định lại nên nợ phát sinh nghĩa vụ phải trả sau tháng 12/2021 vẫn còn có thể cần phải cơ cấu.
"Với các khoản vay trung và dài hạn, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì doanh nghiệp cũng cần có thời gian ổn định, phục hồi sản xuất, doanh thu trở lại thì mới có dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Do vậy, việc cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng như tại Thông tư 03 e rằng doanh nghiệp vẫn khó trả nợ", ông Tuệ nhận định.
Vì vậy, ông Tuệ kiến nghị, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, mở rộng quy định về phân loại nợ và linh hoạt thời hạn cơ cấu lại thời gian trả nợ là việc cần thiết.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong một cuộc họp đã nêu ý kiến cho rằng Thông tư 03 áp dụng cho nhiều ngành nghề lĩnh vực, một số ngành đã bắt đầu phục hồi, tăng trưởng; nhưng hiện một số ngành như lưu trú, lữ hành… thì cho thêm 12 tháng cơ cấu lại nợ vẫn rất khó khăn. Vì thế, theo bà Hà, có thể gia hạn thêm 24 tháng hoặc thêm thời điểm thích hợp hơn để các doanh nghiệp, khách hàng có thêm nguồn thu trả nợ.
Xem xét nghiên cứu sửa đổi
Báo cáo nửa đầu năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy các tổ chức tín dụng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giữ nguyên nội dung của Thông tư 01 về việc giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, tức là thống nhất nhóm nợ được giữ nguyên là nhóm nợ được các tổ chức tín dụng phân loại nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020.
Bởi theo Thông tư 03, việc xác định nhóm nợ dựa trên các mốc thời gian hiệu lực của khoản vay và đồng thời điều kiện xác định nhóm nợ lại dựa trên 3 mốc thời điểm khác nhau như nhóm nợ trước ngày 23/01/2020, nhóm nợ liền trước ngày thực hiện cơ cấu theo Thông tư 03, nhóm nợ trước ngày chuyển nợ quá hạn đầu tiên. Điều này khiến cho việc các tổ chức tín dụng phân loại nợ trở nên phức tạp và khó khăn.
Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm nợ theo Thông tư 03 hiện đang được thực hiện thủ công. Điều đó khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng.
Cũng theo báo cáo trên, để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021), các tổ chức tín dụng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước không quy định thời gian phát sinh nợ "trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính" mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi.
Đồng thời, kiến nghị sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ của khoản nợ như sau: "Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 hoặc đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, tùy thời điểm nào đến sau".
Các tổ chức tín dụng cũng đề nghị mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Tại thời điểm Thông tư 03 được ban hành, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: "Thông tư 01/2020/TT-NHNN ban hành khi chưa lường hết được tác động của dịch bệnh, nên được thiết kế rất mở. Sau một năm, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào mới kết thúc. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận của Ngân hàng Nhà nước là vừa đảm bảo hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, người dân, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống, vừa tránh trục lợi chính sách".
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời hạn cơ cấu lại là không vượt quá 12 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. "Sau này, khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN hết hiệu lực mà thấy thực tế diễn biễn không phù hợp, chúng tôi sẽ lại tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi", ông Sơn khẳng định.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (đến 31/5/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cùng vượt khó
Trên tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 63/NQ-CP mới đây về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất...
Đã có những ngân hàng đầu tiên công bố phương án giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu từ 0,5-1%/năm. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn tại thời điểm 15/7/2021 có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), các khách hàng hiện hữu cũng sẽ được giảm lãi suất với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 15/10/2021.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế... được giảm lãi suất 1%/năm. Đồng thời, Sacombank sẽ tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Trước đó, trong cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng ngày 12/7 vừa qua, các tổ chức tín dụng đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, việc hỗ trợ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc giảm lãi này có lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp, từ đó tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển.
Bài 2: Chưa đến tay nhiều đối tượng doanh nghiệp