Thiếu minh bạch, hiệu quả khai khoáng thấp

Khai thác quy mô lớn, đóng góp cho ngân sách ít, hệ lụy môi trường nhiều và thiếu minh bạch là những đánh giá của các chuyên gia về ngành khai khoáng hiện nay.

Thu thuế không đủ chi phí quản lý

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đã khai thác hơn 40 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn apatit, 193 ngàn tấn mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn. Với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổng hội Địa chất, số năm khai thác còn lại của dầu khí chỉ là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì - kẽm là 17 năm, vàng là 21 năm...

Dù khai thác với quy mô lớn nhưng đóng góp cho ngân sách từ ngành khai khoáng lại rất hạn chế. Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9 - 1,1% tổng thu ngân sách. Một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt 4 - 5 tỉ đồng/năm trong khi số lượng giấy phép khai thác còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lí Nhà nước về hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) khoáng sản vẫn cho rằng mức thuế suất hiện nay đối với khai thác khoáng sản là khá cao so với thế giới.

Trên khai trường mỏ đồng Sinh Quyền (Lào Cai). Ảnh: Trọng đạt - TTXVN

Khai khoáng là một trong những ngành có rủi ro thất thu ngân sách cao, chủ yếu do khai thác trái phép, xuất khẩu trái phép và quản lý thuế không hiệu quả. Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp. Kết quả cho thấy 50% giấy phép được cấp không đúng với quy định pháp luật, tình trạng khai thác trái phép và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.

Cùng đó, hiện nay chưa có cơ chế để giám sát hiệu quả sản lượng khai thác thực tế của DN, chủ yếu phụ thuộc vào sự kê khai, nộp thuế DN dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước và thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nguồn thu từ thuế tài nguyên vẫn chiếm tỉ trọng rất thấp trong cơ cấu thuế quốc gia. Năm 2011, tổng thu từ thuế tài nguyên đạt 39.299 tỉ đồng, chiếm 5,4% tổng thu thuế. Đến năm 2014, thuế tài nguyên chỉ còn trên 38.000 tỉ đồng, chiếm 4,4%.

Nghịch lý tồn tại lâu nay tại Việt Nam, là khoảng cách quá lớn giữa khẩu hiệu “công nghệ hiện đại, chế biến sâu” với thực tế trang thiết bị thô sơ, lạc hậu gây thất thoát tài nguyên rất lớn. TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đánh giá mức độ lạc hậu công nghệ của Việt Nam so với thế giới là 50 năm. Ông Sơn dẫn chứng ra công nghệ luyện đồng ở mỏ Tằng Loỏng (Lào Cai) điều khiển bằng... gậy và đứng chọc từ xa; công nghệ đãi vàng ở Thái Nguyên có tỷ lệ tổn thất lên tới 70%... “Công cụ quản lý vừa thiếu, vừa yếu, còn các đợt kiểm tra giám sát thì chỉ như “đười ươi giữ ống”, với 83.000 lượt kiểm tra trong năm 2015 chỉ thu về ngân sách 122 tỷ đồng, tức bình quần mỗi đợt kiểm tra thu về 1,5 triệu đồng, không đủ tiền xăng”, TS Nguyễn Thành Sơn cho biết.

Cần minh bạch ngành khai khoáng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, khai khoáng là môi trường tốt cho tham nhũng, quan hệ thân hữu, lợi thế cạnh tranh của DN nằm ở những mối quan hệ chứ không phải nguồn vốn hay công nghệ. Ông Tuấn nêu ví dụ, có địa phương, ông Bí thư Tỉnh ủy dẫn một DN khai thác khoáng sản đến giới thiệu với Sở Tài nguyên và Môi trường, hôm sau lại dẫn một DN khác. Một ông Phó Chủ tịch tỉnh có khả năng trở thành Chủ tịch lại dẫn một DN khác nữa. “Áp lực với người trực tiếp quản lý ngành rất lớn khiến cho việc minh bạch thông tin về số lượng mỏ, trữ lượng mỏ, cấp phép, hồ sơ mỏ rất khó”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thực thi sáng kiến EITI đã giúp mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia: Nigeria ước tính tránh thất thu được mỗi năm 1 tỷ USD, tại Mông Cổ, báo cáo các khoản chi từ các công ty khai khoáng lớn gấp 2,75 lần báo cáo các khoản thu của các cơ quan quản lý Nhà nước, giúp phát giác lỗ hổng và nguy cơ tham nhũng trong quản lý nguồn thu từ khai khoáng của quốc gia này.

Nghiên cứu của VCCI cũng cho thấy, chi phí không chính thức của doanh nghiệp khai khoáng tới 73%, cao hơn nhiều ngành khác. Do đó, hơn hết các ngành khác, nhu cầu minh bạch của ngành khai khoáng là rất lớn.

Thế giới hiện có nhiều sáng kiến nhằm hạn chế thất thu ngân sách và nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản. Trong đó, sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác EITI được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất, hiện đã có 49 quốc gia thực thi.

Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006 và Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, Việt Nam vẫn chưa cam kết thực thi EITI dù nhu cầu cần cải cách lĩnh vực khoáng sản hiện nay là rất lớn.

Theo bà Trần Thanh Thủy, điều phối viên của Liên minh khoáng sản Việt Nam, kết quả rà soát khả năng đáp ứng chính sách của Việt Nam do Liên minh Khoáng sản thực hiện cho thấy việc tham gia EITI hoàn toàn không đi ngược lại các quy định về bí mật quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, rất nhiều yêu cầu trong EITI đã được đáp ứng bởi các quy định pháp luật của Việt Nam với các nguyên tắc tương tự về chế độ báo cáo, thu thập thông tin… “Về cơ bản, Việt Nam đã sẵn sàng tham gia EITI từ thể chế, chính sách, nhân lực. Cộng đồng doanh nghiệp ngành khai khoáng về cơ bản đã sẵn sàng tham gia EITI”, bà Thủy cho biết.

Thu Trang
Đưa khai khoáng vào nề nếp
Đưa khai khoáng vào nề nếp

Đối với các tỉnh vùng Tây Bắc, khoáng sản là tài nguyên, tiềm lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này cần phải gắn với mục tiêu tiết kiệm, nâng cao giá trị khoáng sản thông qua các chương trình, dự án đẩy mạnh chế biến sâu, tránh sự "chảy máu" tài nguyên vô ích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN