Tây Bắc khai thác bền vững khoáng sản:

Đưa khai khoáng vào nề nếp

Đối với các tỉnh vùng Tây Bắc, khoáng sản là tài nguyên, tiềm lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này cần phải gắn với mục tiêu tiết kiệm, nâng cao giá trị khoáng sản thông qua các chương trình, dự án đẩy mạnh chế biến sâu, tránh sự "chảy máu" tài nguyên vô ích.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chế biến sâu khoáng sản, tăng cường kiểm soát khâu vận chuyển và khai thác, các tỉnh vùng Tây Bắc đã và đang từng bước đưa việc quản lý, khai thác chế biến khoáng sản đi vào nề nếp.

Thực trạng quản lý và khai thác

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Hiện cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác. Nhưng do quản lý thiếu chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, rất bừa bãi đối với các mỏ nhỏ, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường, thảm thực vật, gây sự cố môi trường như sạt lở, sập hầm lò…

Dây chuyền sản xuất kẽm thỏi (hàm lượng ≥ 99,95% Zn) tại Nhà máy Luyện kim màu Thái Nguyên.


Đặc biệt, các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.

Bên cạnh đó, phương thức chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa thân thiện với môi trường nên đã và đang tác động xấu đến nhiều vùng trong cả nước, đe dọa đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống xã hội trong hiện tại và tương lai.

Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, từ độ sâu 30 m đến 100 m nước vùng bờ biển, các nhà khoa học đã phát hiện một số mỏ sa khoáng có ý nghĩa kinh tế như các mỏ chứa Inmenit, Rutin, Monazit, Ziacon, Vàng, Croom, Titan, Sắt,... Tuy nhiên, khi đánh giá về tiềm năng khoáng sản Việt Nam, các nhà khoa học đều cho rằng nước ta có nhiều loại khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết không nhiều. Đơn cử như dầu khí đã khai thác trên 300 triệu tấn, với sản lượng khai thác gần 20 triệu tấn quy dầu/năm, thì lượng dầu khí chỉ khai thác được chừng 30 năm nữa sẽ cạn kiệt.

Một số loại khoáng sản như bauxit, đất hiếm… Việt Nam có dự báo đạt tầm cỡ thế giới, nhưng thế giới cũng có nhiều và không có nhu cầu tiêu thụ lớn. Điều đó có nghĩa là loại khoáng sản thế giới cần thì Việt Nam lại không có. Đây là vấn đề phải được quan tâm nghiên cứu đánh giá khách quan giữa cung và cầu, để có chiến lược sử dụng tài nguyên khoáng sản đúng đắn, hợp lý, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

Chế biến sâu tại địa phương

Theo các nhà địa chất, Lào Cai là tỉnh giàu tiềm năng khoáng sản với trên 30 loại, tập trung tại trên 150 điểm mỏ khác nhau; trong đó có một số loại khoáng sản quý có quy mô và trữ lượng lớn nhất Việt Nam như quặng apatit, quặng đồng, quặng sắt... Những loại khoáng sản này nếu xuất bán dưới dạng sản phẩm thô thì giá trị chỉ bằng 20% - 30% sản phẩm tinh sau khi chế biến, chưa kể khi chế biến sẽ còn tận dụng thêm được những sản phẩm phụ khác như từ apatit ngoài làm ra lân còn có thể làm ra phốt pho vàng, phân bón tổng hợp và DAP; từ quặng đồng qua luyện có thể tận dụng được vàng, bạc và các nguyên liệu quý khác phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Đơn cử như Nhà máy luyện đồng Lào Cai công suất 10.000 tấn sản phẩm đồng tinh luyện/năm, mới vận hành 80% công suất thiết kế, nhưng (kể từ 2007 đến nay) mỗi năm nhà máy này đã cho thêm trên 300 kg vàng/năm, trên 150 kg bạc và các sản phẩm hóa chất quý khác.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định “Ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản theo hướng tập trung, hiệu quả” và trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp sẽ tập trung mạnh vào khâu chế biến sâu, đặc biệt là phát triển ngành luyện kim, hạn chế xuất khẩu quặng thô. Theo hướng đó, hoạt động của các dự án chế biến sâu đã đưa tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp trong hai năm gần đây của tỉnh Lào Cai lên 22%, đạt mức cao so với khu vực miền núi phía Bắc.

Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 4.000 tỷ đồng mà mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương gần 800 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2010. Năm 2014, một số dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đi vào hoạt động như: nhà máy Gang thép Việt Trung, công suất 1.500.000 tấn/năm, nhà máy DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm..., đã đưa giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 34,2% so cùng kỳ năm 2013.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tổng số 61 mỏ và điểm mỏ được đưa vào diện “đánh thức”. Đến nay, đã có hơn 40 điểm mỏ trong số đó được cấp giấy phép khai thác. Việc khai thác, chế biến khoáng sản đang được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc đúng quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Trên thực tế, hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản đang cung cấp đủ nguyên liệu cho các ngành sản xuất phân bón, hóa chất và luyện kim trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, việc xây dựng các nhà máy chế biến sâu nguồn khoáng sản còn tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động địa phương...

Mới đây, ngày 7/4/2015, Tổng Công ty Khoáng sản - Viconomin (VIMICO) chính thức khởi động Dự án đầu tư mở rộng nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát. Khi chính thức đi vào hoạt động (dự kiến năm 2017), dự án sẽ góp phần gia tăng giá trị ngành công nghiệp khai khoáng, khai thác hiệu quả nguồn quặng đồng hiện có, cũng như tăng sản lượng đồng tấm sản xuất tại Lào Cai từ 10.000 tấn/năm lên 30.000 tấn/năm. Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đây là dự án chế biến sâu khoáng sản lớn đối với địa phương giai đoạn 2015 - 2020. Qua đó, mỗi năm, có thể đóng góp thêm khoảng 150 tỷ đồng cho ngân sách địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Đồng thời, với công suất này, dự án sẽ giảm lượng đồng thiếu hụt mà Việt Nam đang phải nhập khẩu giá cao, từ đó đưa công nghiệp nội địa từng bước tạo thế chủ động trong sản xuất công nghiệp.

Để hoạt động chế biến sâu đạt hiệu quả cao, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng tổn thất tài nguyên, bên cạnh việc tăng cường quản lý khâu vận chuyển, xuất khẩu, việc áp dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ tiên tiến là một trong những yếu tố quyết định. Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh Lào Cai sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch và mục tiêu về nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, lao động để ngành công nghiệp khai khoáng phát triển ngày càng bền vững hơn.

Văn Hào - Hương Thu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN