Phà biển Cần Giờ - Vàm Láng sẽ rút ngắn thời gian từ TP Hồ Chí Minh đến Tiền Giang

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn cự ly, giảm thời gian di chuyển từ tỉnh Tiền Giang đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Nội dung được nêu ra trong văn bản vừa được Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang lấy ý kiến về báo cáo đề xuất phương án khai thác tuyến vận tải này.

Chú thích ảnh
Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Theo phương án được đưa ra, vị trí dự kiến mở bến phía Cần Giờ là tại xã Long Hòa, khu vực cầu bến Đồng Hòa hiện hữu, trên sông Hà Thanh - Đồng Hòa (gần cửa sông Soài Rạp). Đầu bến phía Gò Công Đông là thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Hiện vị trí đầu bến Cần Giờ và Gò Công Đông đang được cập nhật vào quy hoạch chung của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang.

Cự ly tuyến phà này 12 km (một chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút; tối thiểu 4 chuyến/1 ngày (4 lượt đi, 4 lượt về). Thời gian chạy tàu từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày và trong điều kiện gió không quá cấp 6, tầm nhìn xa tốt. Tuyến phà có tối thiểu 2 phương tiện bảo đảm các tiêu chí, trọng tải toàn phần không thấp hơn 100 tấn; sức chở không ít hơn 100 khách; không ít hơn 50 xe máy; không ít hơn 10 xe ô tô từ 4 chỗ đến 29 chỗ.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, sau khi có tuyến phà Cần Giờ - Vàm Láng, người dân từ thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (Tiền Giang) đi Cần Giờ cũng như TP Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn được quãng đường và giảm thời gian di chuyển so với đi đường bộ theo hướng phà Cần Giờ - Cần Giuộc.

Cụ thể, lộ trình hiện nay từ thành phố Mỹ Tho đi huyện Cần Giờ có khoảng cách 120 km, mất khoảng 3 giờ 40 phút; từ thị xã Gò Công đi Cần Giờ dài 80 km di chuyển mất 2 giờ 30 phút nếu đi bằng đường bộ. Khi có phà Cần Giờ - Vàm Láng, cự ly di chuyển sẽ giảm được 40 km, thời gian rút ngắn được khoảng 40 – 50 phút (kể cả thời gian chờ phà).

Bên cạnh đó, với lộ trình Tiền Giang đi thành phố Vũng Tàu qua đường bộ, khoảng cách từ Mỹ Tho đi Vũng Tàu là 160 km, thị xã Gò Công đi Vũng Tàu là 135 km. Nếu có phà biển Cần Giờ - Vàng Láng, cự ly này sẽ giảm 68 km (từ Mỹ Tho) và 52 km (từ Gò Công), thời gian giảm tương ứng 45 – 65 phút.

Dự kiến sau khi phương án kêu gọi đầu tư, khai thác tuyến phà được UBND TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang thống nhất, chấp thuận chủ trương, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ chủ trì tham mưu thành lập tổ công tác xây dựng tiêu chí, lựa chọn doanh nghiệp khai thác có năng lực, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư phải chứng minh vốn tối thiểu khoảng 120 tỷ đồng để đầu tư đầu bến, phương tiện thủy, nhà chờ, nhà giữ xe… và năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Về tiến độ thực hiện, dự kiến trong quý I/2024, nhà đầu tư sẽ được lựa chọn. Doanh nghiệp triển khai đầu tư hoàn thành trong 6 tháng. Bến phà sẽ hoàn thành đưa vào khai thác cuối quý III/2024. Thời gian hoạt động của tuyến phà trong vòng 15 năm tính từ ngày công bố hoạt động 2 đầu bến.

Tiến Lực (TTXVN)
Lưu lượng xe đông, nhiều tuyến đường từ miền Tây về TP Hồ Chí Minh ùn tắc
Lưu lượng xe đông, nhiều tuyến đường từ miền Tây về TP Hồ Chí Minh ùn tắc

Sau thời gian đón Tết bên gia đình, người dân các tỉnh miền Tây bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông để làm việc, học tập khiến nhiều nơi đã xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN