Nỗi lo phá mía trồng gừng

Sau ba vụ mía liên tiếp gặp thất bại thì giờ đây nguy cơ xóa sổ vùng nguyên liệu mía Thới Bình, tỉnh Cà Mau khó tránh khỏi. Gừng đang từng ngày thay thế cây mía sau đợt sốt giá đột ngột vào năm 2014. Tuy nhiên, cũng như cây mía thì gừng cũng đứng trước nỗi lo về đầu ra với tương lai bấp bênh không kém.

Phá mía đồng loạt

Xã Biển Bạch Đông, là một trong những xã có phong trào chuyển sang trồng gừng đầu tiên của huyện Thới Bình. Cuối năm 2014, diện tích mía của xã còn gần 160 ha thì đến nay chỉ còn khoảng 90 ha, phần đất đó chủ yếu chuyển đổi sang trồng gừng.

Người dân xã Biển Bạch Đông (Thới Bình, Cà Mau) trồng gừng trên diện tích mía vừa phá.


Ông Nguyễn Trang Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông cho biết, từ năm 2013 đến nay giá mía liên tục sụt giảm, chi phí trồng mía lại tăng. Trong khi đó, năm 2014, giá gừng tăng đột biến, có thời điểm gần 30.000 đồng/kg, bình quân 1 ha cho thu nhập gần 1 tỷ đồng đã làm cho người dân nơi đây tự phát phá mía trồng gừng. Theo điều tra mới nhất thì diện tích trồng gừng đã tăng từ 40 ha (đầu năm 2015) lên 101 ha”.

Theo ông Nguyễn Minh Chủ, ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, với tình hình giá mía như năm trước chỉ từ 500 - 800 đồng/kg thì người dân nơi đây không còn thiết tha với cây mía. Vụ thu hoạch, nhiều hộ đành nhìn mía khô chứ không dám thuê nhân công, vì sợ càng lỗ hơn. Theo ông Chủ, để thu hoạch 1 tấn mía phải mất 200.000 - 250.000 đồng, nhưng chỉ bán được có 500.000 đồng, đó là chưa kể các chi phí phân bón, giống... Vì vậy, gia đình ông Chủ đã bỏ hẳn mía chuyển sang mô hình tôm - lúa và đi thuê lại 0,1 ha đất để trồng gừng với giá thuê 7 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Lê Văn Được, ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông cho biết, cũng đã chuyển đổi gần 0,5 ha sang trồng gừng. Ông cũng cho nhiều người trong ấp thuê lại gần 4 ha. Hiện nay, phần đất mới chuyển đổi sang trồng gừng cho phát triển rất tốt, tỷ lệ lên cây gần 90%. Theo ông Được, ước tính với giá gừng được các thương lái mua dao động từ 200 - 400 triệu đồng/0,1 ha gừng thì năm nay ông sẽ thu về không dưới 1 tỷ đồng.

Đằng sau cơn sốt giá gừng

Diện tích gừng phát triển nhanh đang khiến các ngành chức năng của huyện lo ngại. Bởi không chỉ đầu ra sản phẩm hiện nay chưa ổn định mà còn để lại nhiều hệ lụy trong sản xuất và đất đai. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, người có kinh nghiệm trồng gừng của địa phương cho biết: Đất đã trồng gừng thì chỉ trồng được 1 vụ, mùa sau phải chuyển sang loại cây khác. Bởi khi trồng gừng sẽ tồn đọng trong đất lượng lớn nấm, sinh vật gây bệnh đạo ôn… năm sau trồng lại rất dễ gây ra bệnh thối củ. Bệnh sẽ bùng phát mạnh vào khoảng tháng 7, 8 âm lịch. Ông Sinh cũng cho biết thêm, chỉ cần một bụi gừng bị bệnh, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh chóng và không có cách gì ngăn được.

Nhiều người dân chia sẻ một trong những vấn đề khiến rất nhiều hộ dân vô cùng băn khoăn là giống gừng họ đang trồng chính là gừng mà các hộ dân vụ trước đã bán, dễ làm thoái hóa giống, nguy cơ bị bệnh cũng cao hơn. Sự băn khoăn ấy hoàn toàn có cơ sở bởi ông Sinh tính toán, 0,1 ha gừng trung bình khoảng 7 - 8 tấn bán với giá từ 200 triệu đồng thì 1 kg trị giá 20.000 -25.000 đồng. Nhưng hiện nay người dân mua của thương lái đã 30.000 đồng/kg gừng giống. Do đó, không phải không có khả năng người dân tự mua gừng giống của nhau và người hưởng lợi không ai khác chính là các thương lái!?

Trên hết, sự lo lắng của người dân chính là đầu ra của sản phẩm đang vô cùng bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái. Nhiều người trồng gừng nơi đây cho biết, gừng được bán cho thương lái từ nơi khác đến, họ đi đến đâu thấy có gừng là vào hỏi, được giá thì đặt cọc mua, còn mua làm gì, vận chuyển đi đâu thì không ai biết.

"Thương lái đến từ vùng Kiên Giang, sau khi mua thì dùng vỏ lãi chở sang Vĩnh Thuận, Kiên Giang rồi chất lên xe tải chở sang biên giới. Nhưng chúng tôi hỏi thì thương lái không nói, thậm chí hỏi tên mà họ còn không muốn cho chúng tôi biết", ông Chủ cho biết thêm.

Vào những năm 2010 có thời điểm gừng sốt giá, nhưng đến lúc thu hoạch rộ, giá chỉ khoảng 3.000 đồng/kg khiến nhiều người lâm cảnh khốn đốn. Do đó, diện tích trồng gừng tự phát và ngày càng tăng mạnh như hiện nay trong khi chưa có đầu ra ổn định khiến địa phương rất băn khoăn. Ngăn cũng khó mà khuyến khích trồng để phát triển kinh tế cũng không xong, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, Nguyễn Trang Nghiêm băn khoăn.

Huỳnh Thế Anh
Tỷ phú mía ở Sơn Hòa
Tỷ phú mía ở Sơn Hòa

Xuất phát điểm chỉ vài ha đất trồng mía, nhưng đến nay ông Hà Châu Ánh (54 tuổi, ở xã Ea Chà Rang, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã sở hữu 72 ha mía.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN