Cổ phần hóa gặp nhiều thách thức - Bài 1

Nhọc nhằn chào bán cổ phần

Theo kế hoạch, giai đoạn 2014 - 2015, 432 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ phải hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH), nghĩa là căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình CPH DNNN, trong đó, dự kiến cả năm 2014 sẽ CPH khoảng 200 DN. Thế nhưng, 10 tháng đầu năm, số doanh nghiệp CPH mới đạt con số 76. Thực tế này đang tạo áp lực rất lớn lên mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho việc CPH, thoái vốn.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN), dù hoạt động đấu giá từ đầu năm đến nay khá sôi động (6 tháng đầu năm, số phiên đấu giá tại hai Sở Giao dịch Chứng khoán gần bằng tổng số phiên đấu giá cả hai năm 2012, 2014; giá trị thực tế thu được cao hơn 30% so với tổng giá trị bán được năm 2012, 2013) nhưng kết quả hoạt động đấu giá CPH và thoái vốn nhà nước được thực hiện qua các Sở GDCK cũng cho thấy một số khó khăn.

Phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu của Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi tháng 4/2014. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN



Đáng chú ý là tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký mua và tỷ lệ số cổ phần bán được thấp. Giai đoạn 6 tháng đầu năm, tuy giá trị cổ phần bán được cao hơn nhưng tỷ lệ đăng ký mua, tỷ lệ số cổ phần bán được so với tổng số cổ phần dự kiến bán đạt mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2012 - 2013 (là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán); tỷ lệ giá bán bình quân so với giá tham chiếu cũng thấp hơn so với giai đoạn 2012 - 2013... Tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài chưa cao. Đặc biệt trong những năm gần đây, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức có xu hướng giảm nhiều so với giai đoạn 2005 - 2007. Chính tình trạng khó bán cổ phiếu IPO đã tác động tiêu cực đến nỗ lực khắc phục tình trạng chậm CPH.

Một trong những bất cập dẫn đến tình trạng ít nhà đầu tư tham gia vào các cuộc đấu giá CPH là nhiều DN chưa xây dựng lộ trình niêm yết sau khi thực hiện CPH, đặt nhà đầu tư vào rủi ro mua phải các cổ phần không có tính thanh khoản.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN)

Một diễn biến đáng lo ngại là ngay cả các DN được giới đầu tư đánh giá là mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn vì là những DN đầu ngành, quy mô vốn lớn, có ưu thế cạnh tranh đáng kể so với các DN cùng ngành khi IPO cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Ví dụ như Tổng công ty Viglacera, có vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, khi IPO chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần trên tổng số gần 77 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Một ông lớn khác cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm khi IPO là Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng (Cảng Hải Phòng).

So với các DN cảng biển đã cổ phần hóa, cũng như niêm yết, thì Cảng Hải phòng là DN có quy mô lớn, có nhiều lợi thế cạnh tranh khi hoạt động tại địa bàn có cửa ngõ quốc tế đường biển lớn nhất khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, tại phiên IPO diễn ra giữa tháng 5/2014, Cảng Hải Phòng bán chưa được một nửa trong tổng số 37.635.600 cổ phần đưa ra bán. Do tình cảnh ế ẩm này, nên sau phiên IPO không lâu, Cảng Hải Phòng tiếp tục nỗ lực bán cổ phần, nhưng ế vẫn hoàn ế, khi trong tổng số 30.802.100 cổ phần chào bán thỏa thuận vào đầu tháng 6/2014, chỉ có một nhà đầu tư cá nhân đăng ký và mua 2.000 cổ phiếu của Cảng Hải Phòng, với giá 13.500 đồng/CP...

Là DN đầu ngành trong lĩnh vực dệt may, với vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng năm, công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã phải lùi thời gian tổ chức IPO trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) so với kế hoạch ban đầu là 22/7/2014, do gặp khó trong tìm kiếm nhà đầu tư mua cổ phần, thêm một minh chứng nữa cho thấy, khó khăn trong tìm đầu ra cho cổ phiếu trong các đợt IPO đang tác động tiêu cực đến nỗ lực hoàn thành kế hoạch cổ phần 432 DN giai đoạn 2014 - 2015.

Bên cạnh đó, hiện nay việc tiếp cận của nhà đầu tư đối với các thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thực hiện CPH còn hết sức hạn chế do hầu như các thông tin này chỉ được công khai chính thức khoảng 20 ngày làm việc trước ngày tổ chức đấu giá bán cổ phần theo quy định. Như vậy, nhà đầu tư không có đủ thời gian tìm hiểu kỹ về DN để từ đó đưa ra quyết định đầu tư. Do vậy, ngoài danh sách các DN thực hiện CPH trong giai đoạn 2014 - 2015, cần phải nhanh chóng xác định thời điểm đưa ra CPH đối với từng DN để các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có thời gian xem xét, nghiên cứu và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết để tham gia đấu giá.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa diễn ra chậm hơn so với yêu cầu đặt ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH cũng như thoái vốn đầu tư. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn. Đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, các chính sách hiện tại mới tập trung vào mục tiêu tăng nhanh số lượng DN được CPH, qua đó trực tiếp tăng nguồn cung, trong khi thiếu các chính sách đủ mạnh để tăng sức cầu cho thị trường để có thể hấp thụ tốt lượng cung cổ phiếu IPO tăng đột biến trong thời gian ngắn. Do đó, cần có cơ chế điều phối kế hoạch tổ chức đấu giá của các DNNN CPH để tránh tình trạng quá nhiều cuộc đấu giá diễn ra cùng một thời điểm khiến cung hàng hóa nhiều, trong khi cầu không cao do trên thị trường niêm yết đang có khá nhiều cổ phiếu hấp dẫn hơn. Việc sớm có lời giải cho sự mất cân đối này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy CPH thời gian tới, không chỉ về lượng, mà cả về chất.

 Thu Hường

Bài 2: Băn khoăn về cơ chế thoái vốn

Thoái vốn dưới mệnh giá phải hạn chế tối đa tổn thất đầu tư
Thoái vốn dưới mệnh giá phải hạn chế tối đa tổn thất đầu tư

Thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán phải đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn – đây là quy định tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN