Ngăn ngừa lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là mối nguy rất lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín thủy sản xuất khẩu. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tăng cường quản lý việc phân phối và sử dụng chất kháng sinh trong nông nghiệp.

Vẫn lạm dụng chất kháng sinh 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, dư lượng hoá chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong thủy sản nuôi thì không thể loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản. Dư lượng này tùy từng loại sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian sử dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng QLCL cho biết: “Tác hại trước mắt của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị trả về, gây thiệt hại kinh tế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam”. 

“Từ đó tác động tiêu cực ngược lại ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam nói chung và chính các hộ dân có sử dụng hóa chất kháng sinh nói riêng. Khi các nhà nhập khẩu e ngại và hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sẽ dẫn tới tồn kho, giảm giá nên cả doanh nghiệp và người dân đều bị thiệt hại, thậm chí bị thua lỗ, phá sản”, ông Tuấn nói thêm. 

Hàng năm, Cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản đã tổ chức triển khai Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật, sản phẩm động vật thủy sản nuôi. Kết quả giám sát trong năm 2016 (11 tháng) với 2.724 mẫu thủy sản nuôi, phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức.

Trong năm 2016, một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép, cụ thể: Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô). Số lượng lô hàng bị cảnh báo năm 2016 (tổng số 40 lô, chiếm 0,03%) đã có chiều hướng giảm so với năm 2015 (70 lô, chiếm 0,07%).

Đối với các lô hàng bị cảnh báo nêu trên, Cục QLCL đã có văn bản yêu cầu các cơ sở chế biến có lô hàng bị cảnh báo thực hiện truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân. Kết quả cho thấy, nguyên nhân là do một số cơ sở nuôi chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch, lạm dụng hóa chất kháng sinh cấm trong quá trình nuôi. 

Quản lý chặt nguồn cung kháng sinh

Về công tác quản lý nguồn thuốc kháng sinh, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: “Năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Đây đều là những công ty nhập khẩu lớn với tổng lượng nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, phân phối lưu thông chiếm 70% tổng số nguyên liệu kháng sinh được nhập”. 

Qua thanh tra, phát hiện 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh có hành vi vi phạm là bán sai đối tượng. Thanh tra Bộ đã đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đối với 5 công ty này, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 công ty.

Phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, thanh tra Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về kinh doanh nguyên liệu kháng sinh, tiến hành xử lý 23 công ty, xử phạt vi phạm hành chính 1,6 tỷ đồng. Củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng ở các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản… nằm rải rác ở các tỉnh miền Tây và TP. Hồ Chí Minh chuyển cho địa phương xử lý.

Nhằm hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản, ông Dũng cho rằng, cần phát động phong trào thực hiện đúng quy định của Nhà nước về nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng kháng sinh, tố giác những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, phát huy đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, đây là một kênh rất quan trọng phục vụ hoạt động quản lý chuyên ngành hiệu quả và thực tế.

Ngoài ra, “Cần có phương thức thanh, kiểm tra phù hợp từ khâu nhập, kinh doanh và sử dụng. Cụ thể: Cục Thú y tổ chức kiểm tra giám sát nhập khẩu, tiêu thụ, phối hợp với Thanh tra Bộ, Cơ quan Công an để tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh đối với các cơ sở nhập khẩu chất kháng sinh. Thanh tra Bộ, Cục Thú y, cơ quan công an, Sở Nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng kháng sinh, bảo đảm xử lý tin báo nhanh và kịp thời”, ông Dũng nói thêm.

Đối với vụ việc hàng hóa bị nước ngoài cảnh báo hoặc bị trả về, Cục QLCL phải có trách nhiệm thông báo với Thanh tra, Công an và địa phương để tổ chức tìm nguyên nhân, truy xuất cơ sở vi phạm. Tổ chức kiểm tra sản phẩm khi xuất bán để kiểm tra tồn dư nhằm phát hiện và xử lý những lô hàng vi phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Để quản lý nguồn cung thuốc kháng sinh trong nông nghiệp, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, cần có sự phối hợp liên ngành, phía Bộ Y tế kiểm soát chặt các doanh nghiệp dược, không được bán cho các đơn vị không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phù hợp. Phía Bộ NN&PTNT chỉ đạo kiểm soát các đơn vị trực thuộc không được sử dụng nguyên liệu thuộc danh mục chất cấm, hạn chế sử dụng. Sử dụng kháng sinh trong phòng, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản đúng cách và đúng loại được phép.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện vi phạm và kiến nghị bổ sung hình phạt nặng hơn vào Luật đối với việc sử dụng nguyên liệu thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong các Bộ, ngành.

H.V
Lần đầu tiên công bố vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm
Lần đầu tiên công bố vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm

Kết quả nghiên cứu về kháng kháng sinh trong thực phẩm lần đầu tiên thực hiện cho thấy, có hơn 60% người lành mang trùng và khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN