'Ngân hàng bò' giúp dân thoát nghèo

Hộ chị Nguyễn Thị Ngoan, thôn 10, xã Bản Xen, huyện Mường Khương (Lào Cai) là một trong những hộ thuộc diện nghèo trong xã. Năm 2010, qua bình xét, gia đình chị được Hội Chữ thập đỏ giao cho 1 con bò giống, trong Dự án “Ngân hàng bò” về nuôi, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản.

"Ngân hàng bò" giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Ảnh: baolaocai.vn


Sau 1 năm nuôi và chăm sóc, tháng 9/2011, niềm vui đã đến với gia đình chị khi con bò mẹ đã sinh được 1 bê con. Tháng 9/2012, gia đình chị đã bàn giao bê con cho Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò” của xã, để tiếp tục bàn giao bê con cho hộ nghèo khác nuôi. Giờ đây, con bò mẹ đã thuộc quyền sở hữu của gia đình chị để tiếp tục chăm sóc đẻ bê con, đây là nguồn tài sản có giá trị với gia đình còn nhiều khó khăn như chị.

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai, từ 185 con bò sinh sản ban đầu do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và địa phương hỗ trợ tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng, theo Dự án “Ngân hàng bò” tại các 2 huyện nghèo: Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai), sau 2 năm 2010 - 2012 đến nay số lượng đã tăng thêm thêm 36 con bê cái, trong đó 28 con bê đủ 12 tháng tuổi được chuyển giao cho hộ gia đình mới, giá trị sinh lời trên 250 triệu đồng.

Xã Bản Xen là một trong những địa phương của huyện Mường Khương có 40 hộ được nhận mỗi hộ một con bò về nuôi. Theo ông Nông Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Xen, Trưởng Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò” của xã cho biết: Để Dự án triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, xã đã thành lập Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò”, cho các thôn họp bình xét, lựa chọn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất để trao bò.

Sau khi nhận bò, Ban quản lý dự án phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản, đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc các hộ gia đình làm chuồng trại, vệ sinh chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi và phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống.

Kết quả, từ 40 con bò giống ban đầu, đến nay, đàn bò đã tăng lên 50 con, có thêm 10 hộ gia đình được hưởng niềm vui từ Dự án “Ngân hàng bò” và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 10 hộ gia đình được thụ hưởng.

Theo ông Đỗ Thành Công, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai, ở mô hình “Ngân hàng bò”, mỗi hộ gia đình nghèo được trao tặng 1 con bò giống trị giá 7 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 12 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Và cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo khác trong địa phương được trợ giúp.

Đây là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì và phát triển “ngân hàng” sống này. Đồng thời, thông qua dự án đã giúp cho nhiều gia đình nông dân làm chủ kỹ thuật nuôi bò và nuôi bò sinh sản, bà con đã bắt đầu hình thành ý thức chăm sóc đàn gia súc, biết trồng cỏ để chăn nuôi, biết làm chuồng trại cho gia súc ở, góp phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo nông thôn.


Văn Toán - Đức Khoa
Lập “ngân hàng bò” hỗ trợ hộ nghèo Đam Rông

UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ trì thực hiện dự án “Ngân hàng bò” hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông - một trong 62 huyện nghèo nhất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN