Khởi nghiệp từ những đam mê

Tẩn Thị Su (sinh năm 1986) là cô gái dân tộc thiểu số duy nhất lọt vào nhóm ba CEO nữ tuổi trẻ tài cao của Forbes Việt Nam. Từ cô bé bán hàng rong cho khách du lịch, giờ đây, Su đã trở thành bà chủ của ngôi nhà du lịch ở Sapa thu nhập vài tỉ đồng một năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.

Đâu là hướng đi tương lai của mình và nghề nào mình nên chọn? Đó là những câu hỏi thường trực trong đầu mỗi bạn trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa vào đời. Những câu chuyện về các thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai vượt khó dấn thân khởi nghiệp và lập nghiệp đã truyền cảm hứng cho không ít bạn trẻ tại địa phương trên con đường chinh phục ước mơ bằng đam mê và thực lực.

Những người truyền cảm hứng 

Nhà nghèo, đến lớp 3, Tẩn Thị Su nghỉ học để theo mẹ đi bán hàng. “Hồi đó người ta chỉ nghĩ con gái là phải lao động trong gia đình, đi học chỉ dành cho con trai hoặc con cái gia đình có nhiều tiền thôi. Đến bây giờ, phụ nữ người Mông vẫn khổ lắm, không có ai gồng nhiều đồ nặng trên lưng bằng họ” - Su tâm sự.

Tẩn Thị Su làm khách mời trong chương trình Café Sáng với VTV3. Ảnh: vtv.vn

Năm 2007, khi 21 tuổi, Tẩn Thị Su bắt tay vào thực hiện dự án Sapa O’Châu, mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa, cung cấp các dịch vụ du lịch tốt tại địa phương mình. Sapa O’Châu (cảm ơn Sa Pa) chính là câu chào của những người Mông sống trên vùng núi cao phía Bắc. Nhưng phải đến năm 2009, Công ty TNHH MTV Du lịch Sapa O’Châu mới chính thức được thành lập, chuyên kinh doanh loại hình du lịch homestay. Khi đó, người sáng lập là Tẩn Thị Su mới chỉ học xong lớp 9 hệ bổ túc văn hóa.

Đây là đơn vị tiên phong về doanh nghiệp xã hội ở Sa Pa và cũng là cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải. Loại hình du lịch của Sapa O’Châu là loại hình du lịch hướng tới cộng đồng. Các du khách khi tham gia vào các tour của Sapa O’Châu sẽ đến giảng dạy miễn phí cho các em nhỏ ở địa phương. Thay vì đi bán hàng, những đứa trẻ được ở chung dưới một mái nhà, học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài, rồi học các kỹ năng về du lịch, bán hàng...

Hiện Sapa O’Châu đã thành lập được một trung tâm cung cấp lớp học cho khoảng 40 học sinh và hỗ trợ sinh hoạt cho gần 80 em. Sau 8 năm hoạt động, với những nỗ lực tự học không biết mệt mỏi của Su, Sapa O’Châu đã trở nên chuyên nghiệp và có những bước tiến đột phá, mở thêm các dịch vụ với doanh thu đạt nhiều tỷ đồng.

Ở một hướng đi khác, A Nủ (thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa) đã nảy ra sáng kiến biến vốn kiến thức từ các bài thuốc dân gian thành những sản phẩm quảng bá tới khách du lịch với suy nghĩ mộc mạc: "Để mọi người đều được hưởng thụ những sản phẩm tốt nhất đến từ núi rừng". Bởi thế, không chỉ dừng lại ở sản phẩm tinh dầu, từ nguồn dược liệu phong phú ở địa phương, A Nủ say sưa nghiên cứu cách chế biến, chiết xuất và đã sản xuất thành công các sản phẩm mới từ tinh dầu dược liệu như xà phòng tắm, dầu gội, dung dịch tắm, ngâm… từ các bài thuốc cổ truyền của người Mông, Dao tại Sa Pa.

Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, A Nủ đã trồng gần 5 ha dược liệu như gừng, sả, thảo quả, long não và khai thác các cây màng tang, chùa dù... sẵn có. Thời điểm đông khách đặt hàng, ngoài người trong hợp tác xã, A Nủ phải huy động thêm hàng chục lao động khác để thu hái dược liệu. Hiện nay, diện tích dược liệu còn mở rộng sang cả xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Sản phẩm của Nủ được ưa chuộng bởi tính tự nhiên cao.

Đến nay, các đơn hàng đã vượt ra ngoài phạm vi của Sa Pa, Lào Cai ra các tỉnh lân cận, đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí cả nước ngoài. Hợp tác xã của A Nủ mở thêm các dịch vụ tắm, ngâm chân bằng thảo dược và trải nghiệm du lịch, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo. "Ai cũng có lợi thế của riêng mình, nếu người trẻ có kiến thức và ham hiểu biết về một lĩnh vực nhất định nào đó, hãy làm giàu từ đó, đừng ngại ngần biến nó thành thương hiệu của riêng mình", A Nủ chia sẻ.

Hỗ trợ khởi sự phát triển doanh nghiệp

Cùng với Tẩn Thị Su, Má A Nủ, các bạn Lý Láo Lở (chàng trai nấu hương dược liệu Sa Pa), Giàng Thị Lang (ở xã Nậm Sài, Sa Pa - người sáng lập Công ty Du lịch Real Sapa, “thiết kế” các tour du lịch trải nghiệm và mạo hiểm), Vũ Văn Đức (huyện Bảo Thắng - triệu phú trẻ từ đàn gà Lạc Thủy)... đã khởi nghiệp thành công và tiếp tục chinh phục con đường làm giàu chính đáng của mình. Việc làm của họ đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, cộng tác đắc lực từ chính quyền địa phương nhằm khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, làm giàu, tích cực góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi sự và phát triển doanh nghiệp, tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân và các hợp tác xã phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Hiện toàn tỉnh có 3.598 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn và nguồn lực mạnh, đóng góp trên 55% tổng sản phẩm trên địa bàn.

Theo Kế hoạch khởi sự, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung vào 6 nhóm nội dung cụ thể: Hỗ trợ khởi sự phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thương hiệu sản phẩm gắn với sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách nhà nước; hỗ trợ kênh thông tin doanh nghiệp; thành lập Quỹ đổi mới khoa học công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các công cụ quản lý, hỗ trợ quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Tại hội nghị khởi sự doanh nghiệp được tổ chức mới đây tại thành phố Lào Cai nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể để việc khởi sự, phát triển doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 đạt hiệu quả cao nhất, đại diện các sở, ngành, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đều cam kết hỗ trợ tối đa về cơ chế chính sách, lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân khi khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, khởi sự, phát triển doanh nghiệp đang là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Các tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi sự, phát triển doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tăng khả năng hiện thực hóa của các dự án khởi nghiệp.

Để doanh nghiệp, doanh nhân Lào Cai có đủ sức đứng vững trên thương trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Dương yêu cầu các doanh nghiệp phải cơ cấu, tổ chức và sắp xếp lại hoạt động, lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các thủ tục hành chính cho việc thành lập mới doanh nghiệp được công khai, dễ thực hiện.


Hương Thu (TTXVN)
Khởi nghiệp từ đam mê lan rừng
Khởi nghiệp từ đam mê lan rừng

Phùng Văn Hùng, chàng trai sinh năm 1992 từ Gia Lai lên đất Kon Tum khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê lan rừng đã gặt hái được những thành công bước đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN