Khởi nghiệp từ đam mê lan rừng

Phùng Văn Hùng, chàng trai sinh năm 1992 từ Gia Lai lên đất Kon Tum khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê lan rừng đã gặt hái được những thành công bước đầu.

Anh Hùng (ngoài cùng bên trái) tư vấn lan cho khách hàng. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Nhờ khả năng kinh doanh tích lũy khi học đại học cùng với kỹ thuật chăm sóc, từ 10 triệu đồng tiền vốn, chỉ trong vòng 3 năm vườn lan của Hùng nay đã có giá trị vài trăm triệu đồng. Trong diễn đàn sinh viên phân hiệu Đại học Đà Nẵng vừa qua, Hùng là 1 trong 2 thanh niên ưu tú được nêu danh trong quá trình lập nghiệp cho thế hệ đàn em noi theo.

Chàng trai trẻ có nước da ngăm đen, đôi kính cận và nụ cười duyên chia sẻ: “Đam mê với lan từ khi còn là sinh viên năm cuối, đến giờ, nếu lựa chọn lại, mình vẫn chọn vườn lan thay vì làm việc trong ngân hàng hay ngành tài chính.” Vốn dĩ cậu là sinh viên lớp Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Đà Nẵng phân hiệu tại Kon Tum.

Vườn lan Hùng Dũng tại địa chỉ 225 Phạm Văn Đồng, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum (Kon Tum) khiến khách tham quan choáng ngợp trước vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, bởi đây là mùa lan rừng bung hoa.

Hơn 3 nghìn giò lan rừng lớn nhỏ trong một không gian mê hoặc hương thơm sắc màu với trên 60 chủng loại khác nhau đua sắc như trúc phật bà, giả hạc, trầm, kèn, trúc mành Kon Tum, thủy tiên dẹt, hoàng lan… loại đơn thân trồng giò, thân thòng treo ngược hay những loại ghép lũa đều có những nét riêng mê hoặc người xem.

Cơ duyên đến với lan rừng của Hùng cũng rất ngẫu nhiên. Năm 2014 là sinh viên năm cuối, được người anh tận Tây Bắc nhờ tìm mối bỏ lan phía Bắc vào Kon Tum, cậu sinh viên mon men đến các cửa hàng bán lan tại thành phố Kon Tum chào hàng giúp anh và cũng tập tành làm quen với những cành lan rừng để tư vấn khách hàng.

Ngoài thời gian học, mỗi ngày, cậu dành thời gian tìm hiểu về lan cho đến khi đam mê lúc nào không biết, sẵn vốn kiến thức maketing được học trong trường, chàng sinh viên khoa Tài chính nảy ra ý tưởng kinh doanh lan rừng.

Để có vốn bước đầu, Hùng dành tất cả thời gian rảnh để làm thêm kiếm tiền tích vốn, từ việc chạy xe ôm, làm thêm trong căng-tin trường, chạy bàn đám cưới đến bán hoa, bóng bay ngày lễ, giao hàng thuê, bán nước bình... thậm chí anh chàng mê kinh doanh còn nhận cung cấp những mặt hàng nhu yếu phẩm cho các hội chợ từ nơi khác đến Kon Tum triển lãm, chia cho các bạn sinh viên cùng làm kiếm thêm thu nhập.

Hùng gặp may khi đang trong lúc loay hoay tìm nguồn vốn và đất vườn để trồng lan thì gặp một người bạn tên Dũng, sinh năm 1990, cũng đam mê lan nhưng chưa có điều kiện thực hiện ước mơ nhân giống lan rừng. Hai người bạn gặp được nhau như "cá gặp nước", hỗ trợ nhau cùng thành lập vườn lan Hùng Dũng. Hùng chuyên về maketing kinh doanh còn Dũng chuyên về kỹ thuật nuôi trồng, nhân giống.

Sau vài tháng miệt mài tích lũy, Hùng có được 10 triệu đồng tiền vốn, có đất nhà Dũng lập vườn, Hùng mạnh dạn lấy hàng từ người anh ở Tây Bắc đem lan rừng về trao đổi, bán tại thành phố Kon Tum.

Lúc đầu vườn lan chưa tới 60 chậu với một số loài lan rừng Tây Bắc và Tây Nguyên. Sau đó từ tiền lời bán lan, Hùng đầu tư cho lan Tây Nguyên là chủ yếu. Mở rộng thị trường, Hùng lặn lội ra Tây Bắc, vào Sài Gòn, xuống Gia Lai, Đăk Nông học hỏi trao đổi kinh nghiệm với lớp đàn anh đi trước để về nhân rộng vườn lan ra 800m 2 .

Bước đầu trải qua biết bao khó khăn vất vả, tự lực cánh sinh, ngoài kiến thức học được từ những nơi đến tham quan, Hùng chịu khó tham khảo kiến thức trên mạng để biết cách chăm sóc, nuôi trồng, nhân giống một số loại lan rừng Tây Nguyên. Hùng kể, có lần khách hàng đến trả giá chậu hoa lan đẹp với giá 1,1 triệu đồng nhưng anh chưa bán vì chưa được giá. Sau đó, chậu lan này do bị gặp mưa to mà hỏng dần và chết cây, Hùng buồn muốn khóc. Tuy nhiên, sau mỗi lần thất bại, anh lại tự động viên mình không nản chí mà luôn chịu khó tích lũy kinh nghiệm trồng hoa và đam mê với nghề kinh doanh lan rừng.


Chàng thanh niên khởi nghiệp thành công với việc kinh doanh lan rừng cho biết: “Lúc đó, qua tìm hiểu, thấy thị trường lan rừng tại Kon Tum chưa ai làm, nên mình mạnh dạn đi các khu vực lân cận học hỏi cách làm, về tự làm, tự rút kinh nghiệm. Nhờ kiến thức học trong trường về lĩnh vực tài chính nên mình thấy kinh doanh lan rừng tại Kon tum có lợi nhuận, có hướng phát triển dài lâu nên quyết định theo nghề. Giờ nghề kinh doanh gắn chặt với đam mê lan rừng muốn dứt cũng không ra được.”

Qua các diễn đàn hoa tổ chức ở Kon Tum hay một số khu vực lân cận, Hùng đều mang lan của mình đi giao lưu, từ đó nhiều khách hàng biết đến, liên hệ tham quan đặt hàng. Một kênh bán hàng cũng không kém phần quan trọng nữa của Hùng là maketing trên tài khoản faceboook có tên Hung Phung và website lanrungvietnam.com để kết nối với đa đạng khách hàng hơn.

Giới thiệu các loại lan đang cho hoa rực rỡ trong vườn, Hùng tâm sự: Lúc đầu bố mẹ cũng không đồng ý với quyết định kinh doanh lan rừng của Hùng nhưng anh nhất mực xin bố mẹ một cơ hội khẳng định bản thân. Và giờ đây, nhìn vườn lan rừng bề thế nhất Kon Tum của Hùng, bố mẹ vơi đi phần nào lo lắng.

Sau Tết là thời gian lan nghỉ dưỡng để bung hoa, tháng 3, bắt đầu vào mùa lan rừng rộ hoa, chăm sóc lại càng thêm vất vả với cả trăm việc không tên nhưng trên môi chàng trai trẻ vẫn luôn nở nụ cười mãn nguyện với những thành công bước đầu. Hiện tại, trừ chi phí công chăm sóc, phân bón, một năm vườn lan Hùng Dũng cho lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng.

Tấm gương của chàng trai Phùng Văn Hùng cho thấy, nếu thực sự đam mê, các bạn trẻ sẽ gặt hái được thành công trên con đường khởi nghiệp của riêng mình.

Hồng Điệp (TTXVN)
Làm giàu nhờ hoa lan Mokara
Làm giàu nhờ hoa lan Mokara

Với diện tích 2.500 mét vuông, vườn hoa lan Mokara của chị Phạm Thị Nhung ở xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho gia đình chị thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, chị Phạm Thị Nhung đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng hoa lan, trở thành tấm gương điển hình hộ nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Ninh Thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN