Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Thuận đã giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giải quyết cho 743 lượt hộ vay vốn triển khai 70 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ với tổng dư nợ hơn 20 tỷ đồng.

 Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. bên cạnh đó, Hội hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, tạo điều kiện giúp hội viên xây dựng mô hình sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương của nông dân xã Tri Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận).

Theo đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất chuyên canh đã được hình thành. Các hợp tác xã, tổ hợp tác từng bước phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Điển hình như, mô hình chuyển đổi trồng măng tây xanh thu lợi nhuận cao của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, xã Phước Hải; mô hình trồng măng tây xanh trên đất cát của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước...

Những năm trước, khi chưa tham gia Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, gia đình chị Từ Thị Tuyết Trinh trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng do đất cát pha, thiếu nước tưới nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Năm 2018, được hợp tác xã vận động, cùng sự hỗ trợ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân địa phương, chị Trinh mạnh dạn đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, chuyển 3 sào (3.000 mét vuông) đất rẫy sang trồng măng tây xanh.

Chị Trinh chia sẻ, tham gia hợp tác xã, thành viên được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên vườn măng tây phát triển tốt. Đến nay, vườn măng tây xanh của gia đình chị cho thu hoạch bình quân mỗi ngày trên 30 kg. Hợp tác xã thu mua với giá 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 1,5 triệu đồng/ngày. Gia đình chị sẽ mở rộng diện tích trồng măng tây xanh trong năm nay.

Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế cho biết, được sự hỗ trợ của tỉnh, Hội Nông dân các cấp, hợp tác xã đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng cây măng tây xanh liên kết theo chuỗi giá trị với các công ty thu mua. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, từ 37 thành viên ban đầu đến nay, Hợp tác xã thu hút 83 thành viên cùng liên kết sản xuất măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 20 ha. Từ trồng măng tây xanh, thu nhập của xã viên thấp nhất đạt 10 triệu đồng/tháng, hộ cao nhất lên đến 90 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu, Hợp tác xã có 7 hộ nghèo, đến nay, các hộ này đã thoát nghèo và vươn lên hộ có thu nhập khá.

Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giải quyết cho 743 lượt hộ vay vốn triển khai 70 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ với tổng dư nợ hơn 20 tỷ đồng. Hội thực hiện tín chấp với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn với tổng dư nợ đến nay là trên 1.500 tỷ đồng. 

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hội viên có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng nhiều liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã đạt hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện xây dựng được 38 liên kết sản xuất nông nghiệp do các hợp tác xã triển khai; trong đó có 18 liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất lúa quy mô gần 2.500 ha với trên 5.700 hộ dân tham gia, 7 liên kết tiêu thụ bắp giống quy mô 570 ha với 1.450 hộ dân tham gia; 4 liên kết sản xuất nho theo chuỗi giá trị VietGAP có quy mô 63 ha với 149 hộ dân tham gia... Nhiều địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm cừu, dê, bò với các cơ sở giết mổ.

Các mô hình liên kết sản xuất đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, góp phần hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù được gắn sao OCOP cấp tỉnh như: Nho NH 01-152 Thái An; hành tím Thanh Hải; táo mật Ninh Sơn; trà măng tây Linh Đan; rượu vang Ba Mọi... Qua đó, thương hiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương đã đã được xây dựng.

Qua bình xét, Ninh Thuận hiện có 14.564/46.518 hội viên đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, các hội viên còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ nông dân đã hiến đất, góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như hệ thống điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, thu gom rác thải...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp chú trọng triển khai sâu rộng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, hội viên nông dân phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Chú thích ảnh
 Mô hình trồng nho cảnh cho hiệu quả kinh tế cao của Hợp tác xã nho cảnh, nho kiểng A8 (xã Phước Thuận (Ninh Phước, Ninh Thuận).

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hỗ trợ hội viên nông dân vẫn còn nhiều khăn, hạn chế như: Nguồn vốn hỗ trợ hội viên vay còn thấp so với nhu cầu thực tế; ảnh hưởng của thiên tai, đại dịch COVID -19 khiến đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp ở mức giá thấp, thiếu tính ổn định...

Khắc phục những khó khăn, năm 2021, Hội Nông dân tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp để tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên vay vốn, hỗ trợ thiết bị, vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện giúp hội viên đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín; kết hợp mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... để nhân rộng cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao.

Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo của nông dân, nhất là những nông dân trẻ. Cùng với đó, Hội tăng cường hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thông qua quản lý, cấp phát tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện giúp hội viên nông dân dễ dàng kết nối thông tin, tham gia.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận tập trung công tác bồi dưỡng những nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, có uy tín, làm nòng cốt để trở thành giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng sản xuất nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, Hội nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy Đảng và chính quyền ban hành chủ trương, chính sách thiết thực và phù hợp thực tiễn nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Hỗ trợ nông dân kinh phí khôi phục diện tích quýt hồng Lai Vung
Hỗ trợ nông dân kinh phí khôi phục diện tích quýt hồng Lai Vung

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai Đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020- 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN