Gia đình anh Lê Đức Tĩnh ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh (Hà Nội) vay vốn ưu đãi Chương trình cho vay giải quyết việc làm để trồng quất cảnh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Có hiệu lực từ ngày 15/3, Thông tư 39 đang có một điểm khiến dư luận băn khoăn rằng các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Vậy cần hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng đang là câu hỏi cần làm rõ.
Với những quy định mới, nhiều người đang hiểu rằng các hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân.
Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) giải thích, theo quy định tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.
Khác với quy định tại Quyết định 1627 nêu trên, trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39 quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
“Như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Thông tư 39, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân.... Đồng thời, Thông tư 39 cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính mình là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.
Ông Đoàn Thái Sơn cũng giải thích, việc kinh doanh của hộ gia đình do không còn tư cách chủ thể, nhưng các cá nhân vẫn có thể vay vốn kinh doanh với tư cách của chính cá nhân này. Và về nguyên tắc thì hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhu cầu kinh doanh của các cá nhân.
Giới phân tích nhận định, về đối tượng được vay, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại tên gọi, khái niệm cho phù hợp với pháp luật hiện hành.
Luật sư Trương Thanh Đức giải thích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo quy định mới này, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân và chủ hộ không còn đại diện cho hộ như trước đây nữa.
Bộ luật Dân sự cũ quy định rất nhiều các loại chủ thể giao dịch ngoài cá nhân, pháp nhân thì còn có hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân. Bộ luật Dân sự mới có hiệu lực từ 2017 chỉ thừa nhận hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân.
Theo đó, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 đã có quy định này và không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.
Ông Trương Thanh Đức cũng nhìn nhận, Thông tư số 39 bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là đúng, phù hợp với Bộ luật Dân sự mới. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình thực chất chỉ là thay đổi cái vỏ hình thức là tên gọi.
Nếu trước đây đối với hộ gia đình hay hộ kinh doanh, chỉ cần chủ hộ gia đình hoặc chủ hộ kinh doanh đại diện hộ ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng, còn từ ngày 15/3/2017 khi Thông tư 39 có hiệu lực, nếu hộ gia đình hay hộ kinh doanh có một thành viên thì chỉ cần một người duy nhất ký hợp đồng với ngân hàng.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cũng cho rằng, việc thay đổi này khẳng định rõ ràng hơn trách nhiệm của người đi vay, tư cách pháp lý của người đi vay được thể hiện rõ hơn. Cần hiểu đây là sự điều chỉnh đúng mực, xét toàn diện thì có lợi cho cả người cho vay và người vay.
Về lãi suất, hiện đang có nhiều ý kiến lo lắng rằng có sự thay đổi về chủ thể được vay thì cũng sẽ có sự thay đổi về lãi suất cho vay. Bởi nếu vay vốn với tư cách cá nhân có thể sẽ phải chịu lãi suất cao hơn tương tự như vay tiêu dùng.
Trước những lo ngại này, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, lãi suất vay do tổ chức tín dụng quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng tổ chức tín dụng; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân.
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và Thông tư 39, trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn. Việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh.
“Về lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng không phụ thuộc vào tư cách pháp nhân vay vốn mà thường phụ thuộc vào mục đích vay vốn, sử dụng vốn vào mục đích kinh doanh hay tiêu dùng; phụ thuộc vào dự án vay vốn. Hệ thống ngân hàng không phân biệt áp lãi suất khác nhau khi thay đổi chủ thể cho vay này”, ông Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.