Vươn mình từ dòng vốn tín dụng

Thiên nhiên ưu đãi cho Hòa Bình cả đồi núi, sông hồ, lại thêm công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình, những tưởng kinh tế Hòa Bình sẽ bừng sáng với dòng điện quốc gia, tuy nhiên cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khác, mặc dù rất nhiều tiềm năng nhưng mảnh đất Hòa Bình cũng còn không ít khó khăn. Để vươn mình phát triển, không thể thiếu dòng vốn tín dụng…

Cao Phong những ngày cuối năm nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Suốt từ tháng chín, tháng mười, khi heo may về, những vườn cam hươm hươm vàng là thị trấn nhỏ bình yên này như bước vào một nhịp sống khác. Phố cam (đoạn Quốc lộ 6 ngang qua thị trấn Cao Phong) nhộn nhịp từ sáng đến tối với những dòng xe tải mang biển số nhiều địa phương nườm nượp bốc xếp cam, quýt…

Có mặt ở Cao Phong từ những năm 1960, đã từng được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, trải qua bao thăng trầm, chục năm trở lại đây, cam Cao Phong lấy lại tiếng thơm, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng, giúp hàng trăm nông dân nơi đây kiếm tiền tỷ mỗi năm.

Vụ cam năm nay, thời tiết thuận lợi nên cam cho sản lượng cao, thị trường đang rộng mở. Khoảng 160 hộ trồng cam ở Cao Phong có thu nhập hàng năm trên dưới 1 tỷ đồng; trong đó 40 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đến 8 tỷ đồng/năm, tùy theo diện tích.

Vườn cam của anh Trần Văn Tuyên, tổ 4, thị trấn Cao Phong có diện tích 7 ha cho thu hoạch hơn 5 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN

Dọc thị trấn Cao Phong nhỏ bé, bình yên ngày nào, giờ đây những ngôi nhà cao tầng, cửa hàng, cửa hiệu sang trọng mọc lên san sát. Bên căn nhà trên 300 m2 còn ngổn ngang xây dựng nhưng đã mang dáng một tòa biệt thự lộng lẫy, ông Nguyễn Thế Bình ở khu 3, thị trấn Cao Phong hồ hởi khoe: “Dự tính tổng giá trị xây dựng ngôi nhà này khoảng 13 tỷ đồng. Đây sẽ là công trình tâm huyết nhất của cuộc đời tôi và tất cả có được đều nhờ… cam”.

Là một trong những lớp người đầu tiên trồng cam theo mô hình thâm canh ở Cao Phong, ông Bình “bén duyên” với cây cam từ năm 2004, sau khi phá bỏ toàn bộ diện tích trồng mía của gia đình để chuyển sang trồng cam. Đến nay, với 2 ha cam đang cho thu hoạch, bình quân mỗi năm ông Bình thu 2 - 2,5 tỷ đồng từ cam và đang tiếp tục mở rộng diện tích.

Ông Bình cho biết, với người dân Cao Phong, không có gì lãi như trồng cam. Hiện với quy trình thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP để cho ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, năng suất cao, trừ vốn đi phải lãi được 8 phần, kể cả lãi 4-5 phần thì trồng cam vẫn là nguồn thu không nhỏ với đồi đất Cao Phong. Xây nhà, mua ô tô là chuyện đơn giản với nhiều hộ gia đình ở đây, chỉ sau một vụ cam. Vì vậy, có thể nói cây cam đang là “cây vàng” của người dân Cao Phong.

Xác định lợi thế về phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Cao Phong đã có nhiều chính sách giúp người dân phát triển vùng chuyên canh cam, như tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ giống, và đặc biệt là hỗ trợ vốn cho người dân mở rộng diện tích. Trồng cam cần nguồn vốn lớn, vì cây cam đầu tư sau 3-4 năm mới cho thu hoạch. Vì vậy, 85-90% người dân Cao Phong nhờ vào nguồn vốn ngân hàng để trồng cam trong giai đoạn kiến thiết ban đầu.

Để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, trong nhiều năm qua, Agribank chi nhánh Cao Phong đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất, khi giá hoa quả, nông sản xuống thấp. Nhờ nguồn vốn của Agribank Cao Phong, nhiều hộ trên địa bàn đã có điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chưa tiếng tăm như cam Cao Phong, nhưng ở Hòa Bình, Tân Lạc cũng đang là một vùng đất hứa hẹn vươn mình phát triển với đặc sản bưởi Tân Lạc - cây trồng đang phát triển mạnh những năm gần đây và mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện vùng cao này.

Tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, ông Nguyễn Chí Mưu nổi tiếng là một chiến binh đầy tâm huyết với sự nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Từ hiệu quả ban đầu của mấy chục gốc bưởi, hai năm nay, ông Mưu và anh em, con cháu trong gia đình cùng nguồn vốn vay gần 1 tỷ đồng từ Agribank chi nhánh Tân Lạc dồn sức cho 5 ha đồi trọc với quyết tâm phủ toàn bộ diện tích này bằng cam, quýt và bưởi.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, tôi luôn tâm niệm điều đó khi rời quân ngũ. Đồi đất này không phải toàn sỏi đá, cơ chế chính sách và sự hỗ trợ của chính quyền không thiếu, thị trường vẫn còn sức tiêu thụ lớn, kỹ thuật tìm hiểu trên báo đài, đi học hỏi các nơi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của ngành nông nghiệp. Còn vốn đã có, vậy tại sao không làm?”, vừa nói người cựu chiến binh già vừa xiết chặt tay ông Nguyễn Hữu Thắng - Giám đốc Agribank chi nhánh Tân Lạc.

Ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù, huyện Tân Lạc triển khai đề án phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh. Huyện đang đề xuất và thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng bưởi hàng hóa.

Về lâu dài, huyện tính toán xây dựng thương hiệu giống bưởi địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Theo đó, Agribank Tân Lạc cũng đã xây dựng các chương trình cho vay hỗ trợ vốn để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển cây bưởi đặc sản nói riêng.

“Đặc biệt mới đây, việc Agribank thông qua chương trình cho vay nông sản sạch với gói tín dụng 50.000 tỷ đồng lả một minh chứng nữa cho sự đồng hành của góp sức cho một nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi tư duy và hành động của người sản xuất, người tiêu dùng, nhất là với những vùng còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư như Hòa Bình”, ông Thắng cho biết.

Rời những đồi cam, vườn bưởi trĩu quả, theo chân cán bộ tín dụng Agribank Hòa Bình, chúng tôi lại xuống thuyền lênh đênh trên lòng hồ thủy điện. Hơn 20 năm vì dòng điện Tổ quốc, những bản làng vùng lòng hồ khó khăn, nghèo đói ngày nào giờ đang vươn mình với nhiều hướng phát triển kinh tế khác nhau, từ phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đến phát triển dịch vụ du lịch phục vụ khách thăm quan vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình - nơi được ví von là “Hạ Long trên non”.


Trong tiết sớm mai sơn cước se lạnh, sương giăng trắng mặt hồ, ông Đinh Công Cửu ở xóm Mó Rút, xã Tân Mai, huyện Mai Châu phấn khởi khoe 4 bè cá đang chờ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán.

Dự kiến vụ cá năm nay, gia đình ông thu khoảng 180 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trăm triệu là điều không khó. Năm năm gắn bó với nghề nuôi cá cũng là 5 năm ông Cửu đồng hành với những cán bộ tín dụng của Agribank chi nhánh Mai Châu.

“Không chỉ chắc nghiệp vụ ngân hàng đâu, các chú, các cô ấy còn rất rành nghề nuôi cá đấy. Cá nào dễ nuôi, cá nào dễ mắc bệnh, nuôi với kỹ thuật ra sao, mật độ thế nào, các chú rành hơn cả chúng tôi”, ông Cửu nói về các cán bộ tín dụng của Agribank.

Làm cán bộ tín dụng ở các tỉnh đồng bằng phải cố gắng một thì cán bộ tín dụng ở những tỉnh miền núi phải cố gắng gấp nhiều lần. Giải thích, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn cho khách hàng - một công việc không dễ dàng khi khách hàng phần lớn là nông dân miền núi vốn ít tiếp xúc thông tin, không quen với các văn bản, giấy tờ, chưa kể đến việc kiểm tra việc sử dụng vốn, thu nợ, thu lãi.

Nhiều khi để tránh thất thoát đồng vốn, cán bộ tín dụng phải kiêm luôn nhiệm vụ khuyến nông, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng trọt. Điều đó lý giải tại sao cán bộ tín dụng Agribank rành kỹ thuật trồng cam, trồng bưởi, nuôi cá, nuôi gà…

Đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, tiến nhanh trên những nấc thang phát triển. Trên bước đường đó, nông nghiệp - nông thôn chưa bao giờ ngừng vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế đất nước. Theo chân cán bộ tín dụng, đồng vốn Agribank đang gieo trên đồi cam, vườn bưởi, trải dưới ruộng ngô, hồ cá; xa hơn, rộng hơn vươn tới những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, những chuỗi liên kết sản xuất nông sản bền vững hay những con tàu cá kiên cố vươn xa giữa biển khơi.

Và dòng vốn tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn đang từng ngày, từng giờ góp sức cho không ít vùng đất, không ít miền quê vươn mình xua đi đói nghèo, mang lại ấm no, hạnh phúc.

Phạm Thanh Hương (TTXVN)
Gieo vốn tín dụng chính sách ở Điện Biên
Gieo vốn tín dụng chính sách ở Điện Biên

Gần 14 năm thành lập và đi vào hoạt động, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Điện Biên đến nay đạt gần 2.100 tỷ đồng, giúp cho trên 256.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn để sản xuất kinh doanh, thu hút tạo việc làm cho trên 80.000 lượt lao động, giúp gần 15.000 học sinh sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng 5.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 13.000 ngôi nhà ở cho hộ nghèo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN