Động lực mới cho vùng Đông Nam Bộ phát triển

Xác định vai trò, vị trí, sứ mệnh của vùng Đông Nam Bộ là rất lớn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các địa phương trong vùng cần xác định các vùng động lực, các hành lang kinh tế mới, bổ sung cho nhau tạo động lực mạnh mẽ cho vùng phát triển.

Chú thích ảnh
Tuyến đường tránh TP Bà Rịa, điểm bắt đầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

“Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã ra đưa rất đầy đủ, rất rõ về quan điểm, mục tiêu, quan trọng là làm thế nào để tạo hiệu ứng, động lực lớn nhất cho phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích 23.551,5 km2, là vùng có diện tích nhỏ thứ hai cả nước (chiếm 7,1%); dân số năm 2020 là 18.342,9 nghìn người (chiếm 18,8% dân số cả nước). Năm 2020, quy mô GRDP của vùng Đông Nam Bộ đạt 2,58 triệu tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2010, và 1,4 lần năm 2015; đóng góp 32% GDP cả nước.

Đến năm 2022, GRDP của vùng đạt 2,95 triệu tỷ đồng, chiếm 31,04% GDP cả nước, đứng thứ 1/6 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng là 30,4%; Trung du miền núi phía Bắc là 8,62%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 15,09%, Tây Nguyên là 13,02%, Đồng bằng sông Cửu Long là 12%).

Tuy nhiên, theo TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại.

Bên cạnh đó, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn trong vùng chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng.

Cùng với đó, ngành công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Việc phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý; các doanh nghiệp còn chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.

Không những thế, hạ tầng xã hội quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh công lập chậm được khắc phục. Phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu…

Với mục tiêu xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực…TS. Trần Hồng Quang cho biết, đơn vị tư vấn cũng đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng của vùng thời kỳ 2021-2030.

Theo đó, ở Kịch bản 1 là kịch bản thấp có tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 4,92%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 7,18%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,04%/năm.

Kịch bản 2 là kịch bản trung bình có tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 5,48%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 8,66%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 7,06%/năm.

Kịch bản 3 là kịch bản phấn đấu có tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 5,97%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 10,2%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 8,07%/năm.

Nhận định về các kịch bản tăng trưởng của vùng trong thời kỳ quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 3 kịch bản vẫn an toàn. Nếu đặt ra các kịch bản, định hướng an toàn thì không thể tạo ra những sự đột phá.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, Đông Nam Bộ là vùng có nhiều nguồn lực, nhưng lại không phát huy được nguồn lực. Hiện nay, vùng đang tắc trong mô hình phát triển cũ; thiếu liên kết, các tỉnh chia rẽ với nhau; chưa hình thành không gian phát triển vùng.

Về 3 kịch bản tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, tắc nhất là tư duy và thể chế, trong khi xây dựng kịch bản lại chưa dựa trên cải cách thể chế.

TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, vùng cần phải thay đổi thể chế, cùng với đó là phải nâng cao năng lực của bộ máy hành chính. Ngoài ra, các địa phương cần chuyển công năng của các khu công nghiệp không còn phù hợp.

Cùng với đó, các địa phương tạo không gian vùng, liên vùng cho quá trình chuyển dịch, kết nối hạ tầng. Quan trọng nhất là xây dựng một thể chế kinh tế thị trường để khu vực tư nhân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Đồng thời, thay đổi năng lực sản xuất, tạo năng lực cạnh tranh tốt hơn.

PGS, TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng chỉ ra rằng, phải có tư duy đột phá, phải có hệ sinh thái công nghiệp mới. Theo đó, nếu không tìm được động lực mới, TP Hồ Chí Minh cũng giảm tốc độ tăng trưởng và khó duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Cùng với đó, làm rõ hơn phương hướng liên kết bảo vệ môi trường vùng và liên tỉnh, các lưu vực sông liên tỉnh, các khu vực ven biển liên tỉnh; kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai trên lãnh thổ các tiểu vùng.

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo lần 1 để trình Chính phủ trong tháng 8 này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, phần đánh giá hiện trạng cần nhận diện chính xác các điểm nghẽn của vùng. Các địa phương phải phân tích bằng số liệu, tính toán chứ không phải chỉ định tính, mà phải cân đong đo đếm được.

“Trong điểm nghẽn, thì phần hạ tầng đã rõ, nhưng chưa thấy đề cập tới tư duy trong phát triển cát cứ theo địa phương, chưa phân cấp, ủy quyền, chưa có cơ chế chính sách huy động nguồn lực thỏa đáng đáp ứng nhu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)
Ba kịch bản tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030
Ba kịch bản tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030

Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN