Đổi mới công nghiệp chế biến - Bài 2: Cao su thiệt đơn, thiệt kép vì xuất thô

Ngoài các loại hoa quả nhiệt đới, cây công nghiệp cũng là một trong những thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Nếu được đưa vào chế biến, giá trị của cao su sẽ tăng 10-20 lần. Tuy nhiên, tương tự như “số phận” của nhiều loại nông sản khác, do cao su chỉ được xuất khẩu thô nên người trồng, doanh nghiệp cao su đang “thiệt đơn, thiệt kép” khi giá sản phẩm thấp, lại vừa phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.


Dân khổ vì giá thấp


Hiện tỉnh Tây Ninh có 27 nhà máy chế biến cao su với tổng công suất chế biến khoảng 70.000 tấn sản phẩm/năm. Do việc tiêu thụ cao su khó khăn, kinh doanh không hiệu quả nên gần 1/3 số nhà máy phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Mới đây, do chủ đầu tư trong lĩnh vực chế biến cao su không triển khai xây dựng dự án nên tỉnh cũng đã thu hồi 2 dự án.

 

Công nhân cạo mủ cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Còn tại tỉnh Bình Phước, địa phương đang dẫn đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng mủ cao su, tình trạng cũng không khả quan hơn. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2014, hầu hết các doanh nghiệp chế biến mủ cao su đều có lượng tồn kho lớn: Nhà máy chế biến mủ cao su Phương Hậu tồn kho hơn 100 tấn mủ thành phẩm, Công ty CP cao su Đồng Phú còn hơn 170 tấn sản phẩm chưa xuất khẩu được…


Thống kê mới đây của ngành nông nghiệp cho thấy, hai tỉnh Tây Ninh, Bình Phước là những địa phương có diện tích cao su tiểu điền bị chặt bỏ nhiều nhất. Trong đó, riêng Tây Ninh có hơn 1.300 ha, gồm cả cao su non dưới 5 tuổi và cao su đang khai thác. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, giá cao su giảm mạnh so với năm 2013, nhà nông phải “cắn răng” phá bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.


Anh Nguyễn Hữu Châu ở xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh (Tây Ninh) cho biết, với giá mủ tươi chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/ kg (thấp hơn 3-4 lần so với cùng kỳ 2013) như hiện nay, người trồng cao su lỗ nặng. Những hộ gia đình vốn trước kia thu nhập cao ngất ngưởng nhờ diện tích cao su “cò bay thẳng cánh” nay khốn khổ vì tiền bán mủ không đủ chi phí thuê nhân công, chăm sóc vườn cây.


Tăng năng lực chế biến


Hiện nay, Việt Nam có khoảng 250 doanh nghiệp chế biến cao su, tiêu thụ hơn 120.000 tấn cao su nguyên liệu mỗi năm, trong khi đó, tổng sản lượng cao su khai thác hàng năm đạt khoảng 860.000 tấn/năm. Công nghiệp chế biến cao su của Việt Nam còn kém 4-6 lần so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia...


Nhìn từ góc độ sản xuất, chế biến, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chủ yếu là cao su thiên nhiên đã qua sơ chế và nhựa cao su Latex (chưa qua sơ chế). Với cách làm này, giá trị gia tăng của ngành cao su không cao và không ổn định. Trong khi đó, theo tính toán, giá trị của cao su sẽ tăng đến 20 lần nếu sản phẩm thô được đưa vào chế biến sâu.


Với sản lượng 949.000 tấn, chiếm 7,9% tổng sản lượng của thế giới, Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên thứ 3 trên thế giới. Về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 4, đạt 1,076 triệu tấn trong năm 2013 và chiếm 11% thị phần thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 2,52 tỉ USD. Sản phẩm cao su của Việt Nam hiện có mặt tại hơn 70 nước trên thế giới.

“Các nhà máy cần phải nhanh chóng đầu tư công nghệ hiện đại, đáp ứng mục tiêu đến 2020 sẽ chế biến được khoảng 40% sản lượng mủ cao cấp; tăng lượng mủ nguyên liệu sử dụng cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm cao su”, ông Thuận cho biết.


Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, nếu bán cao su thô được 1, nhưng chuyển sang chế biến thành các sản phẩm cao su thông thường (như săm lốp), giá trị sẽ tăng gấp 8-10 lần; còn nếu chế tạo thành các sản phẩm cao su kỹ thuật, giá trị có thể tăng 18-20 lần. Ngoài ra, việc tập trung chế biến cao su cũng sẽ giúp nền kinh tế giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu linh kiện cho các ngành công nghiệp khác, trị giá hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD…


“Theo tôi, ngành công nghiệp cao su cần được đẩy mạnh đầu tư, trong đó thời gian đầu sẽ ưu tiên tập trung vào những sản phẩm Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có nhu cầu tiêu dùng cao ở thị trường thế giới như: như găng tay, chỉ sợi… Trong 5 năm gần đây, chúng ta đã chế biến đa dạng hóa nhiều sản phẩm. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu tăng bình quân 37%/năm và đạt 1 tỷ USD/năm 2013. Con số trên là thành công bước đầu nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với tiềm năng và sự cấp thiết phát triển bền vững của ngành”, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam nhận xét.


Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cũng đánh giá: “Mủ cao su của Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Mới chỉ có 18% lượng mủ cao su được đưa vào chế biến ở trong nước. Nếu chúng ta chế biến được 25% lượng mủ cao su sản xuất ra thì sẽ bớt phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su trong nước cần phải đầu tư mạnh hơn nữa, để tăng sản lượng chế biến mủ cao su”.

 

Lê Nghĩa - Hữu Vinh

 

Bài 3: Cà phê chế biến vô danh

Đổi mới công nghiệp chế biến để đổi đời sản phẩm nông nghiệp - Bài cuối: Hướng tới nền nông nghiệp xuất khẩu bền vững
Đổi mới công nghiệp chế biến để đổi đời sản phẩm nông nghiệp - Bài cuối: Hướng tới nền nông nghiệp xuất khẩu bền vững

Hiện nay, giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta vẫn chưa được như kỳ vọng, do nhiều mặt hàng được chế biến, bảo quản chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thử thách vô cùng lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN