Doanh nghiệp hàng không đề xuất giải pháp để 'vượt bão' COVID-19

Chưa kịp "hoàn hồn" phục hồi từ 3 đợt dịch COVID-19 trước, đợt dịch thứ 4 ập đến bất ngờ với diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, khiến các doanh nghiệp vận tải hàng không không kịp trở tay ứng phó, càng thêm "thoi thóp". Một số doanh nghiệp đề xuất các giải pháp nhằm cầm cự qua khó khăn, đón cơ hội để "vượt bão" COVID-19.

Lao đao vì dịch bệnh

Trái ngược với những hình ảnh chen chúc, hối hả ngược xuôi khi hành khách lỉnh kỉnh hành lý, còn taxi, xe buýt, phương tiện các loại... tấp nập ra vào sân bay như thường lệ, những ngày gần đây, quang cảnh vắng lặng, mọi chuyển động ngưng trệ tại nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, một trong hai sân bay sầm uất nhất Việt Nam trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của đợt dịch lần này.

Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ... cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới sản xuất kinh doanh của ngành Hàng không. 

Video phóng viên báo Tin tức có mặt tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phản ánh hoạt động hàng không ngưng trệ tại sân bay: 

Tháng 4, tháng 5 hàng năm là thời gian cao điểm hành khách đi lại, nhưng năm nay, đợt dịch COVID-19 lần 4 ập đến bất ngờ, khiến lượng khách qua sân bay Nội Bài sụt giảm mạnh. Để ứng phó, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways... đều phải cắt giảm chuyến, điều chỉnh lịch bay. 

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ, từ ngày cao điểm 29/4-1/5, cảng phục vụ 540 lượt chuyến bay/ngày, với 79.000 lượt hành khách/ngày, chỉ trong 3 tuần sau đó, bình quân cảng chỉ còn hoạt động khoảng 150 lượt chuyến/ngày, sản lượng hành khách sụt giảm còn khoảng 8.500 lượt hành khách/ngày. Thậm chí có ngày thấp điểm, chỉ còn 120 lượt chuyến bay/ngày, với 6.600 lượt hành khách. Để duy trì khai thác, cảng đã phải tạm điều chỉnh các chuyến bay đi/đến tại khu vực sảnh E sang khai thác tại sảnh A, B Nhà ga hành khách T1.

Qua tìm hiểu, đợt dịch lần 4 đã làm đảo lộn các cơ hội phục hồi của ngành Hàng không. Đời sống, thu nhập của người lao động vốn đang "ngắc ngoải" vì các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao chưa có hồi kết và nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực phát triển ngành sau dịch.

Chú thích ảnh
Sân đỗ xe tại Nhà ga hành khách T1 yên ắng, trống vắng, trái ngược với cảnh đông đúc "mỏi mắt" tìm chỗ gửi thường thấy hàng ngày trước đây.
Chú thích ảnh
Sảnh ga nội địa đến vắng vẻ lạ thường.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, tiếp viên hàng không của các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều chia sẻ, số chuyến bay nội địa hiện nay đều giảm sốc, tiếp viên các hãng hiện chỉ có khoảng 10% được bay, còn lại nghỉ luân phiên. 

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, cách đây 2 tháng, ngành Hàng không cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt sau đợt dịch lần 3 và đưa ra dự báo khả quan năm 2021, nhưng đến thời điểm này, doanh thu các hãng hàng không lại lao dốc, giảm sâu so với năm 2019 và có thể lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng từ vận tải mà chưa thấy khả năng được kiểm soát. Cục đang đề xuất Bộ GTVT và Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh của cả nền kinh tế, không riêng gì doanh nghiệp hàng không, nên ngành phải cố gắng cầm cự.

Chú thích ảnh
Các quầy check in tại nhà ga lác đác hành khách.

Tìm kiếm các giải pháp

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký VABA, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa. Dự báo, doanh thu các hãng hàng không từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục giảm. 

Chú thích ảnh
Trái ngược với cảnh xếp hàng vào khu vực kiểm tra an ninh luôn đông đúc trước đây là cảnh trống vắng hiện nay.

Vì vậy, VABA đề xuất Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ tín dụng cho các hãng hàng không, trong đó: Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021...

Chú thích ảnh
Máy bay "đắp chiếu" tại sân bay, thỉnh thoảng có một chuyến cất cánh.

Trước thực tế trên, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Hàng không như: Áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế...; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không như: Cho phép các doanh nghiệp tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021 và Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành Hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán…

"Để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ đề ra là 'vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế', Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phối hợp với các hãng hàng không đang tăng cường vận chuyển hàng hóa trên các chuyến bay, đảm bảo mạch máu lưu thông trong nước và quốc tế. Hiện tại, trên một nửa số đường cất hạ cánh dành cho nhiệm vụ này; cảng cũng điều chỉnh, bố trí vị trí sân đỗ máy bay vào các khung giờ phù hợp để ưu tiên cho các hãng khai thác các chuyến bay chở hàng hóa đi các nước...", Quyền Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, ông Tô Tử Hà cho hay.
Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh, video: Hiếu - Hùng/Báo Tin tức
Lao động ngành hàng không, đường sắt lao đao mất việc
Lao động ngành hàng không, đường sắt lao đao mất việc

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, tiếp diễn phức tạp làm đảo lộn các cơ hội phục hồi của ngành hàng không và đường sắt. Đời sống, thu nhập của người lao động vốn đang "ngắc ngoải" vì các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao chưa có hồi kết và nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực phát triển ngành sau dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN