Lao động ngành hàng không, đường sắt lao đao mất việc

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, tiếp diễn phức tạp làm đảo lộn các cơ hội phục hồi của ngành hàng không và đường sắt. Đời sống, thu nhập của người lao động vốn đang "ngắc ngoải" vì các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao chưa có hồi kết và nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực phát triển ngành sau dịch.

Lao động mất việc hàng loạt

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện tiếp viên hàng không của các hàng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều chia sẻ, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này diễn biến phức tạp trở lại, số chuyến bay nội địa đều giảm sốc, tiếp viên các hãng hiện nay chỉ có khoảng 10% được bay, còn lại nghỉ luân phiên.

Cục Hàng không Việt Nam qua rà soát tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, số lượng hành khách sụt giảm mạnh, có ngày cảng chỉ đón khoảng 9.000 lượt khách, bằng 1/9 ngày cao điểm và chỉ bằng 1/5 so với ngày thường. 

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 bùng phát, máy bay nằm tại cảng vì hành khách sụt giảm. 

Đơn cử thống kê, ngày 29/4/2021, Vietnam Airlines khai thác hơn 420 chuyến bay và vận chuyển 70.000 khách, đến ngày 15/5, con số này chỉ còn 45 chuyến bay, 6.000 khách; Vietjet Air khai thác 366 chuyến bay, vận chuyển 60.000 khách, chỉ còn 61 chuyến bay, 8.000 khách; Bamboo Airway, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và VASCO còn bi đát hơn.

Chỉ cách đây 2 tháng, ngành Hàng không cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt sau đợt dịch lần 3 và đưa ra dự báo khả quan năm 2021, nhưng đến thời điểm này, doanh thu các hãng hàng không lại lao dốc, giảm sâu so với năm 2019 và có thể lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng từ vận tải và chưa thấy khả năng được kiểm soát.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, Cục đang đề xuất Bộ GTVT và Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh của cả nền kinh tế, không riêng gì doanh nghiệp hàng không, nên ngành phải cố gắng cầm cự.

Ngành Đường sắt cũng trong tình trạng tương tự khi liên tục thông báo dừng chạy các đôi tàu tuyến Bắc Nam, chỉ còn duy trì hai đôi tàu Thống Nhất và trước đó, đã dừng hàng loạt đoàn tàu chạy nhiều tuyến khác.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năm 2020, đơn vị đã phải giải quyết tạm hoãn hợp đồng lao động, cho nghỉ việc do thiếu việc làm bình quân khoảng 600 người/tháng, chấm dứt hợp đồng với 280 người. 4 tháng đầu năm nay tiếp tục cho nghỉ bình quân khoảng 550 người/tháng, chấm dứt hợp đồng với 66 người.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do không có nguồn hỗ trợ, công ty chỉ trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc do chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh phải cách ly y tế, còn lại phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương...

Doanh nghiệp đề xuất giải pháp vượt bão COVID-19

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

VABA đề xuất Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ tín dụng cho các hãng hàng không, trong đó: Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…

Chú thích ảnh
Đường sắt chỉ còn duy trì 2 đôi tàu Thống Nhất hoạt động.

Ở góc độ doanh nghiệp, các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways… đang tăng cường vận chuyển hàng hóa trên các chuyến bay, để đảm bảo mạch máu lưu thông trong nước và quốc tế; đề xuất với các cảng hàng không bố trí vị trí sân đỗ máy bay vào các khung giờ phù hợp để phục vụ khai thác các chuyến bay chở hàng hóa giao thương.

Trước thực tế trên, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành như: Áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế... Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét__ một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021 và Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán…

Còn lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho hay, doanh thu hành khách đang tiếp tục sụt giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi, chưa kể sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình vận tải khác. Vì vậy, Tổng công ty ngoài đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển dịch sang phát triển vận tải hàng hóa để đảm bảo việc làm cho người lao động, những lao động bị dừng việc vẫn được đảm bảo đủ quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, Tổng công ty đang tích cực báo cáo với các cấp có thẩm quyền đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành kiên quan các gói hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng với điều kiện thuận lợi nhất.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Công đoàn các cấp kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Công đoàn các cấp kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị trực tuyến với Liên đoàn Lao động tại các tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch trong công nhân lao động. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN