Dẹp xe “dù” trá hình xe hợp đồng

Tình trạng xe khách giả danh xe hợp đồng để đón trả khách trái quy định, cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự, an toàn giao thông.

Ngang nhiên hoạt động

Trên tuyến vận tải đường bộ Hà Nội - Lào Cai đang xuất hiện nhiều loại xe 10 chỗ “limousine” gắn bảng “xe hợp đồng” tham gia chạy tuyến cố định này, cạnh tranh với tất cả các xe khách khác trên tuyến. Ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) khẳng định: Tình trạng này là có thật. Một số đơn vị đầu tư xe limousine dưới 10 chỗ chạy như xe tuyến cố định, điển hình như nhà xe Sao Việt chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định quản lý loại xe này, nên doanh nghiệp vẫn “ung dung” chạy. Trên thực tế, do là xe dưới 10 chỗ nên doanh nghiệp không gửi thông tin hợp đồng về Sở GTVT (quy định này chỉ áp dụng với xe từ 10 chỗ trở lên). Đây là một bất cập dễ tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh.

Một xe dù trá hình xe hợp đồng đang bắt khách trên đường. Ảnh: Anh Đức

Ông Phạm Tiến Quỳnh, Trưởng phòng Vận tải và Quản lý phương tiện người lái (Sở GTVT Lào Cai) cho biết thêm: Tình trạng xe khách núp bóng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định đang hoành hành trên tuyến Hà Nội - Lào Cai. Các xe dạng này thường sử dụng chiêu trò viết danh sách hành khách khống, rồi sau đó bắt khách dọc đường và điền vào hợp đồng vận chuyển để đối phó với cảnh sát giao thông.

Trên tuyến đường Phạm Hùng trước cổng Bến xe Mỹ Đình, qua quan sát ai cũng có thể phát hiện xe hợp đồng trá hình ngang nhiên hoạt động, vô tư đón trả khách sai quy định. Loại xe này chủ yếu là xe 16 chỗ, mang biển kiểm soát Thái Bình, Nam Định, Nghệ An... thường xuyên dừng, đỗ phía đối diện Bến xe Mỹ Đình để “vợt khách” hoặc cập các bến “cóc” gần trường Tiểu học Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), đường Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm). Đáng nói là trên các xe này đều trưng biển xe hợp đồng, chuyển phát nhanh...

Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Quốc Uy bức xúc: Các loại xe này thực chất là xe “dù”, gây ảnh hưởng lớn cho bến xe, cũng như các doanh nghiệp vận tải đăng ký luồng tuyến cố định trong bến. Nhiều nhà xe đang kêu lỗ nặng vì xe hợp đồng và kiến nghị bến lắp camera quanh bến, khi phát hiện các phương tiện không thuộc bến quản lý mà hoạt động đón trả khách cùng tuyến thì thông báo cho lực lượng chức năng kiểm tra xử lý tại chỗ.

Về thực tế này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện thừa nhận: Thời gian gần đây, tại một số địa phương thường xuyên xuất hiện những loại xe từ 16 - 24 chỗ ngồi hoạt động đón trả khách tại nhiều tuyến phố. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Hà Nội, mà còn tại hầu hết các đô thị lớn, các tỉnh, thành phố có lưu lượng vận tải đông như TP Hồ Chí Minh, Lào Cai... Do điều kiện kinh doanh đơn giản, nên nhiều đơn vị vận tải đã lợi dụng để đặt chỗ thay cho hành khách rồi đón trả khách dọc các tuyến quốc lộ, gây ra tình trạng tranh giành khách, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Sớm hết cửa hoạt động

Trước thực tế trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung 7 quy định vào Nghị định 86/CP về điều kiện kinh doanh vận tải, gồm: Đơn vị vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc tại một địa điểm ổn định; không sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch hoặc cho đơn vị khác thuê xe để vận chuyển khách theo hợp đồng; xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử; phạm vi hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; danh sách hành khách phải được in bằng máy tính, thông báo cho Sở GTVT; xe hợp đồng không niêm yết thông tin như tuyến cố định, không sử dụng xe giường nằm và rút ngắn thời gian cấp phù hiệu cho xe hợp đồng.

Nghị định 86/CP quy định: Xe kinh doanh vận tải tuyến cố định là xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên và có niên hạn theo quy định, còn xe hợp đồng thì chỉ quy định niên hạn và không hạn chế loại xe. Đối với xe dưới 10 chỗ, nếu doanh nghiệp dùng làm xe trung chuyển, chạy hợp đồng hay kinh doanh taxi thì được phép. Loại xe này không được phép chạy tuyến cố định, nếu đến tận nhà đón khách ra bến xe (trung chuyển) thì được, còn đến nhà đón khách và chạy đến một tuyến nhất định được coi là chạy “dù”.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các quy định này được tổng hợp từ những kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải trong cả nước, nhằm quản chặt vận tải hành khách theo hợp đồng. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/CP lần này dứt khoát sẽ đưa ra được cách xử lý xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định vì tình trạng này đã diễn ra từ lâu. Cần phải có biện pháp quản lý chặt loại hình này nếu không sẽ gây xáo trộn thị trường vận tải, gây mất an toàn giao thông.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định: Thời gian tới sẽ chỉ đạo lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý xe du lịch hoạt động trá hình vận chuyển khách. Đồng thời, sẽ nghiên cứu để tiến hành lắp camera tại nhiều tuyến đường quanh khu vực các bến xe để theo dõi phạt nguội. Đối với xe của các tỉnh khác hoạt động tại Hà Nội, Sở GTVT sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát xem của đơn vị nào quản lý để đề nghị Sở GTVT các địa phương xử lý nghiêm vi phạm.
Tiến Hiếu
Xử nghiêm xe khách hợp đồng và taxi “dù”
Xử nghiêm xe khách hợp đồng và taxi “dù”

Sau 10 ngày tập trung kiểm tra, xử lý xe ô tô vận chuyển hành khách hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng, xe taxi “dù” vi phạm Luật Giao thông đường bộ (từ ngày 26/3- 6/4), Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý gần 11.500 trường hợp vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN