Đề xuất bãi bỏ gần 2.000 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh

Để thực hiện chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ gần 2.000 các yêu cầu, điều kiện về kinh doanh.

Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính; bãi bỏ toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm; 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất; bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán; bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh và 80 điều kiện về quy hoạch; bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ gần 2.000 các yêu cầu, điều kiện về kinh doanh. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN

Trong cuộc hội thảo mới đây về vấn đề này do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đang mất quá nhiều các loại chi phí khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hoạt động kém hiệu quả. Do đó, cần nỗ lực hết sức để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đánh giá thực trạng của doanh nghiệp, ông Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM nhấn mạnh đến các vấn đề bao trùm, hệ thống gây chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp như: chi phí chính thức của các doanh nghiệp còn nhiều điểm bất hợp lý. Và chi phí không chính thức rất lớn có thể phát sinh ở nhiều công đoạn kinh doanh và trong tất cả các quá trình thực thi quy định pháp luật.

Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh còn nhiều điểm bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Hiện các điều kiện kinh doanh đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động.

Có thể nói, sự bất hợp lý của điều kiện kinh doanh là một trong những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vì thường yêu cầu phải có mặt bằng lớn, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, cũng như đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định.

Theo ông Cung, hiện các điều kiện kinh doanh đang làm giảm cạnh tranh thị trường do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo khiến các nhà đầu tư tiềm năng không thể gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh thường gắn với hàng hóa, dịch vụ của một đơn vị công lập hoặc được nhà nước chỉ định, tạo ra lợi thế độc quyền và cản trở các nhà đầu tư tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ điển hình là các yêu cầu phải được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước.

Thúy Hiền (TTXVN)
Điều kiện kinh doanh vẫn 'hành' doanh nghiệp
Điều kiện kinh doanh vẫn 'hành' doanh nghiệp

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, hiện tại Việt Nam có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn hàng nghìn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) dưới dạng “con”, “cháu”, tạo ra rào cản pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), khiến quá trình cải thiện môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN