Bỏ 10 điều kiện kinh doanh thì tăng thêm 7

Tại hội thảo Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam” do VCCI tổ chức sáng nay, luật sư Trương Thanh Đức cho hay, đã có nhiều thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh nhưng có thể thấy với 10 điều kiện kinh doanh được giảm thì lại có 7 điều kiện khác được tăng lên.

26/243 điều kiện kinh doanh chưa phù hợp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (VCCI) cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư 2014 và hàng loạt chính sách “cởi trói” cho doanh nghiệp (DN) đã được ban hành, các giấy phép con bị bãi bỏ, thủ tục gia nhập thị trường đơn giản, thuận tiện nhiều hơn.

Luật đầu tư 2014 đã điều chỉnh còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tương ứng có khoảng 5.719 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) (theo thống kê sơ bộ ban đầu). So với thời điểm trước khi phụ lục 4 về danh mục có ngành nghề kinh doanh có điều kện, Luật đầu tư 2014 đã sửa đổi thì số ĐKKD đã được cắt giảm khoảng 107 ĐKKD.

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, chưa có một cuộc đánh giá toàn diện nào về những ĐKKD hiện hành để xem xét tính phù hợp của các điều kiện này so với tính chất, mục tiêu mà một ĐKKD nên có.

Báo cáo rà soát các ngành nghề đầu tư kinh doanh có trong Danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của VCCI công bố cũng cho thấy, nhiều ngành, nghề kinh doanh không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh hoặc nhiều ĐKKD chưa phù hợp.

Theo báo cáo của VCCI, một số ngành, nghề không nhận thấy tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng. Hầu hết các ngành nghề này đều mang “dáng dấp” của hoạt động kinh doanh thông thường. Những rủi ro, nếu có, sẽ tác động đến các chủ thể tư và các chủ thể này đã có hệ thống pháp luật tư bảo vệ.

Bên cạnh đó, một số ngành nghề không nhận thấy rõ đặc thù so với các ngành nghề kinh doanh thông thường cùng loại, như: Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kinh doanh dịch vụ lữ hành...

VCCI đã chỉ ra 16 ngành nghề được xác định là ngành nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp như dịch vụ tổ chức trọng tài thương mại, xuất khẩu gạo, kinh doanh dịch vụ Logistics, sửa chữa bảo dưỡng ô tô, kinh doanh dịch vụ lữ hành...Cùng đó, 10 ngành nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như: kinh doanh thủy sản, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh phân bón, nhượng quyền thương mại...

Nhóm nghiên cứu chọn 3 Bộ có nhiều ĐKKD trong một số lĩnh vực nóng: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, bởi ngành nghề có ĐKKD có điều kiện thuộc phạm vi 3 bộ này gần bằng ¼ tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của tất cả các Bộ còn lại (65/243 ngành nghề có ĐKKD).

Thống kê danh mục theo ngành, 3 Bộ có nhiều ĐKKD trong một số lĩnh vực nóng: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, bởi ngành nghề có ĐKKD có điều kiện thuộc phạm vi 3 bộ này gần bằng 1/4 tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của tất cả các Bộ còn lại (65/243 ngành nghề có ĐKKD).

Trong đó, Bộ Công thương có 28 ngành nghề với 1.220 ĐKKD, Bộ Y tế có 16 ngành nghề với 740 ĐKKD, Bộ Tài chính; có 671 ĐKKD và Giao thông Vận tải 30 ngành với 606 ĐKKD.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI phát biểu tại hội thảo.

Giảm 10 thì tăng lên 7

Ông Đặng Quang Vinh đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ngoài 243 ngành nghề còn có nhiều văn bản khác, quy định văn bản pháp luật khác ở dạng thông tư, tiêu chuẩn... đều đang gây ra những chi phí bất lợi cho DN, tác động trực tiếp và gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh, tạo rào cản đầu tư.


Cùng qua điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico chỉ ra một số hạn chế: "Hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn nhưng có thể thấy với 10 ĐKKD được giảm thì lại có 7 ĐKKD khác tăng thêm. Tôi cho rằng, cần phải "dẹp" 1/3 số điều kiện kinh doanh này đi bởi nếu không vẫn chỉ là cải cách thiếu đồng bộ, giảm một ít thì lại tăng một ít, thậm chí một số đẻ ra còn gây khó khăn, mệt mỏi nhiều hơn".

Ông Đức cho biết thêm, đối với nhiều ĐKKD, tất cả đối tượng liên quan không muốn bỏ, những người có lợi ích không muốn bỏ. Nhiều khi 1% doanh nghiệp phản đối sức nặng lại lớn hơn 99% còn lại.

"Như một loạt điều kiện kinh doanh của ngành công thương quy định về quy mô, không muốn bỏ vì điều kiện này có thể giúp loại bỏ đối thủ quy mô nhỏ hơn. Hay như mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hạn chế đi chung xe của grap, uber là trái luật bởi đây là mô hình kinh doanh khác, anh chưa có thì cấm, như vậy là đang cấm vô căn cứ", ông Đức nhấn mạnh.

Theo chuyên gia độc lập Nguyễn Quang Đồng, khi đẻ ra ĐKKD sẽ đẻ ra giấy phép. Có lợi ích từ cấp phép thì khó cắt giảm. Do đó, cần có cải cách thể chế đi kèm trong hệ thống, cơ quan xây dựng giấy phép không được cấp giấy phép vì hai cái đó xung đột lợi ích với nhau.

“Cùng đó, phối hợp cải cách từ cả trên và dưới. Nên nhìn nhận vai trò hệ thống trọng tài thương mại. Ví dụ uber nếu có thiết chế trọng tài thương mại cơ quan giải quyết sẽ tránh áp lực ban hành quy định mới. Hay giấy phép hàng không, khách hàng chậm giờ chậm chuyến khách hàng bị thiệt hại thì là mối quan hệ khách hàng và trung tâm dịch vụ nhưng nếu có trọng tài sẽ không đẻ ra việc cấp phép bay, chứng chỉ bay chỉ là an toàn chứ không liên quan đến thị trường”, ông Đồng cho biết.

Trang Thu/Báo Tin Tức
Điều kiện kinh doanh bị 'chặt khúc', doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Điều kiện kinh doanh bị 'chặt khúc', doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Mặc dù đã đạt được thành tích tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm nhưng ngành lúa gạo vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và rào cản về chính sách khiến năng lực cạnh tranh bị giảm sút.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN