Đề nghị hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi

Cung thịt lợn giảm mạnh trong khi đó nhu cầu vẫn tăng khiến thị trường thịt lợn “nóng” lên từng ngày. Trước thực trạng trên, hôm qua (14/7), Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cùng với chủ các trang trại lớn, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tổ chức cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp “hạ nhiệt” thị trường thịt lợn.

Người chăn nuôi “bỏ chuồng”

Cùng thời điểm này năm ngoái, người chăn nuôi phải “chạy đôn, chạy đáo” làm cách nào để xuất lợn thịt, thì năm nay, người chăn nuôi lại phải “vắt óc” ra nghĩ xem làm cách nào để tăng lượng thịt lợn xuất ra thị trường, vì lợn đang được giá và nguồn cung thiếu hụt trầm trọng.

“Nghịch cảnh này là hậu quả của việc lâu nay ngành chăn nuôi phát triển tự phát, không bền vững, lợi nhuận cao thì phát triển ồ ạt, khi thấp thì ngược lại”, ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn, nói.

Nguồn cung thịt lợn những tháng vừa qua giảm mạnh, bên cạnh đó, giá nguyên liệu tăng cao, lãi suất cho vay cao khiến việc tái đàn gặp nhiều khó khăn. Những lý do trên đã khiến giá thịt lợn tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Chăm sóc đàn lợn thịt của một gia đình ở xã Nam Cường (Tiền Hải - Thái Bình). Ảnh: Hà thái- TTXVN


Trong thời gian vừa qua, xuất hiện tin giá thịt lợn tăng cao là do xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, không có tình trạng trên. Việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc chỉ diễn ra trong 3 tháng đầu năm 2011 với lượng xuất gần 20.000 con, từ tháng 5 trở lại đây, không có lợn xuất đi Trung Quốc.

Giải thích về tình trạng khan hiếm nguồn cung, ông Sơn cho biết, tại một số tỉnh, có tới 15 - 30% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng, các trang trại lớn cũng hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp quy mô, đã gây ra tình trạng khan hàng trên thị trường.

Thêm vào đó, phải kể đến việc thương lái đẩy giá, dẫn đến giá cả bị đội lên từng ngày trong thời gian gần đây.

Ông Lê Văn Mẽ cho biết: “Lãi suất ngân hàng mà các chủ trang trại chăn nuôi phải trả là 25 - 26%/năm, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 50 - 60%; giá con giống tăng, chưa kể chi phí điện nước, nhân công cũng tăng. Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, dịch bệnh hoành hành liên tiếp, nên người chăn nuôi đã chọn giải pháp thu hẹp chăn nuôi để tránh thua lỗ.

Tìm giải pháp tăng nguồn cung

Ông Sơn dự kiến, với tình hình dịch bệnh tạm lắng như hiện nay, người chăn nuôi sẽ mở rộng sản xuất, quay vòng, như vậy, phải đến tháng 8, thị trường thịt lợn mới có thể thiết lập được mặt bằng giá mới theo hướng bình ổn.

Tuy nhiên, nhận định này không được các chủ trang trại đồng tình. Ông Mẽ nêu vấn đề: “Có thể tháng 8 sẽ thiết lập mặt bằng giá thịt lợn mới, song, theo hướng tiếp tục tăng hay giảm thì khó nói và chưa có gì đảm bảo”.

“Hiện tại, giá con giống đang ở mức rất cao, giống lợn khoảng 2 triệu đồng/con, giống gà vịt cũng đã tăng từ 65 - 150%. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi không bình ổn được, phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài”, ông Mẽ nói.

Đồng tình với cách nhìn nhận này, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) cho rằng, nếu không có biện pháp kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới thì chưa thể tính tới bài toán bình ổn, giảm giá thịt lợn.

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm trong vòng 1 tuần trở lại đây, ở miền Bắc còn khoảng 64.000 – 65.000 đồng/kg. Dự báo, 6 tháng cuối năm có thể thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn 10 – 15% so với hiện nay, từ cuối tháng 8 sẽ xuất hiện chiều hướng giảm giá.

Để thúc đẩy nguồn cung, ông Giao đề nghị các địa phương thúc đẩy sản xuất, đảm bảo tăng nguồn cung và ổn định giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán. Cố gắng không để dịch xảy ra. Sử dụng mọi biện pháp kỹ thuật tăng đàn nhanh, tỷ lệ đẻ nhanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi đúng quy trình, giảm chi phí; khuyến khích mở rộng chăn nuôi gia cầm và loài khác như thỏ, dê, cừu... để tăng nguồn cung thực phẩm.

Do vậy, ông Giao đề nghị hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho người chăn nuôi, cho phép các DN, hợp tác xã chăn nuôi... được hưởng chính sách trong NĐ 61 về khuyến khích tín dụng trong nông nghiệp.

Về lâu dài để ngành có chiến lược phát triển ổn định, bền vững, ông Giao cho biết, ngành sẽ lập Quỹ bình ổn giá thịt lợn và xây dựng chính sách hỗ trợ ở địa phương; quy hoạch và giao đất lâu dài cho phát triển chăn nuôi.

H.V

Người tiêu dùng lo ngại giá thịt lợn tăng cao
Người tiêu dùng lo ngại giá thịt lợn tăng cao

Người tiêu dùng đang đối mặt với đợt tăng giá mạnh mẽ của thịt lợn nên rất mong chờ giá thịt lợn sẽ ổn định hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN