Đầu tư gần 240 tỷ đồng bắc cầu Tân Phong qua nhánh sông Tiền

Sáng 12/4, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Lễ khởi công cầu Tân Phong bắc qua một nhánh sông Tiền, kết nối xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) với đường tỉnh 864 và mạng lưới giao thông trong ngoài tỉnh phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chú thích ảnh
Nhấn nút khởi công cầu Tân Phong. 

Công trình có tổng mức đầu tư gần 240 tỷ đồng với quy mô chiều dài cầu chính 359 m gồm 9 nhịp, chiều rộng cầu 9 m, tải trọng thiết kế HL93, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực; đường vào cầu dài 1.461 m, láng nhựa. Công trình còn bố trí hệ thống chiếu sáng trên cầu, đường dẫn và hệ thống an toàn giao thông…

Công trình cầu Tân Phong do Liên doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Thuận và Công ty cổ phần Xây dựng 525 trúng thầu thi công; dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày khởi công.

Khi hoàn thành, cầu Tân Phong kết nối giao thông giữa xã Tân Phong, huyện Cai Lậy với xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang) có ý nghĩa quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, đi lại của hơn 3.556 hộ dân thuộc cù lao xã Tân Phong; đồng thời là động lực thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái cù lao Tân Phong trong tương lai.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát lệnh khởi công cầu Tân Phong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, công trình cầu Tân Phong sau khi hoàn thành sẽ xóa thế địa bàn cù lao sông nước, chia cắt và tách biệt giữa bốn bề sóng nước sông Tiền cho xã Tân Phong, đồng thời hoàn thiện hạ tầng giao thông các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Ông Trần Văn Dũng cho biết, ngay sau khi Dự án cầu Tân Phong được duyệt, công tác lập hồ sơ để triển khai dự án và đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện khẩn trương, tập trung cao của chủ đầu tư, các sở ngành tỉnh, huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy; đặc biệt được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong vùng đã nhận đền bù và giao mặt bằng, hoàn thành công tác chuẩn bị và đủ điều kiện để thi công xây dựng.

Theo đó, trên địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè có 38 hộ dân, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy có 15 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Người dân đều đồng tình, hưởng ứng chủ trương nhà nước, vui vẻ nhận tiền đền bù, giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị khẩn trương triển khai thi công.

Để hoàn thành công trình đúng kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng đề nghị các đơn vị tham gia thực hiện công trình là đơn vị chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công cần tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với nhau, với địa phương và cơ quan quản lý bảo đảm công trình thi công đúng kế hoạch tiến độ, bảo đảm chất lượng và an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong suốt quá trình thi công.

Chú thích ảnh
Thi công cầu Tân Phong. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí vốn để thi công đúng tiến độ. Đối với huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và nhân dân trong vùng dự án cần tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thi công được thuận lợi.

Trước đó, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định hạ tầng giao thông là một trong những khâu then chốt, đột phá, có ý nghĩa chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ. Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công của tỉnh cho ngành giao thông là 9.615 tỷ đồng chiếm 37,8% trong tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 25.427 tỷ đồng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm tạo động lực phát triển  kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó trọng tâm là đầu tư cầu đường giao thông kết nối các xã cù lao trên địa bàn với mạng lưới giao thông toàn vùng, phục vụ nhu cầu giao thông của nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Tih, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Thủ tướng: Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'
Thủ tướng: Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

Sáng 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh. Thủ tướng đề nghị Tiền Giang nỗ lực phát triển trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ; là một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN