Đảm bảo chặt chẽ quy trình kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu

Tỉnh Lạng Sơn hiện có 6 cửa khẩu có hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa là cửa khẩu: Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Na Hình, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng. 

Chú thích ảnh
Cán bộ Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 7 tỉnh Lạng Sơn kiểm tra mẫu hoa quả trước khi xuất khẩu. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Với mặt hàng hoa quả tươi chủ yếu được làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, lực lượng hải quan và kiểm dịch thực vật luôn đảm bảo chặt chẽ về trình tự và tuân thủ các quy trình về kiểm tra, kiểm dịch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản.

Tại cửa khẩu Tân Thanh, trung bình mỗi ngày có khoảng 300  phương tiện chở hàng hóa được thông quan; trong đó, chủ yếu là mặt hàng hoa quả tươi như: mít, thanh long, sầu riêng...

Để được xuất khẩu, những mặt hàng nông sản này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác. 

Dựa trên các quy định và chức năng nhiệm vụ, lực lượng hải quan và kiểm dịch địa bàn cửa khẩu Tân Thanh đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đồng hành cùng doanh nghiệp, hạn chế trường hợp xe nông sản phải "quay đầu" về nội địa do không đảm bảo tiêu chí xuất khẩu.

Về kiểm dịch thực vật, lực lượng kiểm dịch cửa khẩu Tân Thanh đã tăng cường tần suất kiểm tra đối với tất cả các loại nông sản để kiểm soát chặt chẽ, triệt để hơn. 

Nhằm nâng cao độ chính xác và khách quan, Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh đã đưa vào sử dụng hệ thống máy soi cùng các thiết bị hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng mẫu và hệ thống bảo quản mẫu phẩm… 

Bất cứ lô hàng nào không đảm bảo tiêu chí về kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch thực vật Tân Thanh sẽ không cấp giấy để xuất khẩu hàng.

Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh Trần Văn Hiếu cho biết, đơn vị đã bố trí nhân lực, vật lực để duy trì làm việc ngoài giờ, tạo hiệu quả công việc, qua đó giảm bớt thời gian chờ thông quan hàng hóa của các doanh nghiệp. 

Ngoài ra, đơn vị còn tích cực tuyên truyền, thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi qua cửa khẩu Tân Thanh luôn phải chấp hành tốt các quy định kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký và được cơ quan kiểm dịch tiếp nhận hồ sơ, việc kiểm tra mẫu vật thể sẽ được tiến hành. Căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ  quyết định địa điểm kiểm dịch tại cửa khẩu. 

Nếu vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, cơ quan kiểm dịch sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện lô vật thể không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ không cấp giấy chứng nhận và sẽ thông báo cho doanh nghiệp biết để có các biện pháp xử lý.

Việc kiểm tra đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu nói chung và hàng hoa quả tươi nói riêng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh Phùng Văn Ba cho hay, hải quan Lạng Sơn đưa các loại hoa quả tươi xuất khẩu vào danh sách hàng "luồng xanh". Với hàng này không thực hiện kiểm hóa thực tế mà chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ kê khai sau thông quan.

Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin và trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu phải đưa hàng trở lại nội địa vì không đảm bảo tiêu chí kiểm dịch và sai sót về mã vùng trồng. 

Để giảm tối đa nguy cơ hàng hóa phải quay trở lại nội địa, cơ quan hải quan và kiểm dịch thực vật Tân Thanh đã tăng cường trao đổi, phối hợp với nhau để đánh giá mức độ nhãn mác, vùng trồng, sâu bệnh… theo chuyên ngành, qua đó tránh rủi do, hạn chế tổn thất kinh tế trong lưu thông xuất khẩu.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Phạm Thanh Cầm, vì mặt hàng hoa quả tươi thuộc diện luồng xanh nên đơn vị đã sử dụng máy soi container để kiểm tra chi tiết loại hàng hóa trên. 

Để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng hoa quả tươi nói riêng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã bố trí lực lượng làm việc thêm giờ, ngoài giờ để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; duy trì tổ giải quyết vướng mắc thủ tục hàng ngày; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp theo định kỳ để qua đó tiếp nhận những khó khăn và gỡ vướng cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, với doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi, chi cục cũng tích cực tuyên truyền doanh nghiệp chấp hành nghiêm mã số vùng trồng, chấp hành tiêu chuẩn nhãn mác đóng gói, đảm bảo về chất lượng hàng hóa, tránh việc bị trả lại hàng.

Trong 7 tháng năm 2023, đã có gần 900.000 tấn hoa quả tươi các loại được xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn; trong đó Thanh Long quả tươi là mặt hàng được thông quan nhiều nhất với gần 300.000 tấn. 

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đã làm thủ tục nhập khẩu gần 160.000 tấn hoa quả tươi; trong đó quýt tươi là mặt hàng có sản lượng nhập khẩu nhiều với trên 105.000 tấn.

Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Siết chặt kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc
Siết chặt kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc

Sau thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các lô hàng trái cây xuất khẩu từ Việt Nam vi phạm quy định kiểm dịch thực vật, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường kiểm soát vi sinh vật, đối tượng kiểm dịch thực vật trên các lô hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN