Công nghệ giúp nông dân thành triệu phú

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ và lựa chọn những giống cây đem lại hiệu quả cao, nhiều nông dân tại tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang... đã trở thành triệu phú.

 Hiệu quả kép từ trồng đậu nành luân canh



Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: trồng đậu nành (đậu tương) luân canh trên ruộng lúa lãi cao hơn so với sản xuất vụ hè thu hơn 7 triệu đồng/ha. Trồng lúa vụ hè thu lãi 10 triệu đồng/ha trong khi đó trồng đậu nành lãi hơn 17 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn là mô hình này còn mang lại hiệu quả kép vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa cắt đứt mầm bệnh lưu tồn trên ruộng lúa, cải tạo đất, tạo điều kiện tốt cho sản xuất lúa vụ thu đông.

Mô hình trồng đậu nành luân canh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: canthotv.vn


Hiện nay, Đồng Tháp có hơn 1.200 ha trồng đậu nành, được trồng 2 vụ trong năm là đông xuân và xuân hè, trong đó vụ xuân hè là vụ trồng chính. Cây đậu nành ở Đồng Tháp là một trong những cây trồng cạn ngắn ngày có ưu thế trong hệ thống luân canh cây trồng của tỉnh, nhất là trên đất 2 lúa 1 màu. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất độc canh 3 vụ lúa. Cây đậu nành tập trung trồng nhiều nhất là ở huyện Cao Lãnh, Châu Thành và thành phố Cao Lãnh, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại địa phương để làm thức ăn và sữa đậu nành.

Giống đậu nành được trồng phổ biến nhất ở Đồng Tháp lá giống đậu nành Nhật 17A, BC19, MTĐ 760-4, thời gian sinh trưởng 85-95 ngày. Năng suất đạt trên 3 tấn/ha. Trồng đậu nành đưa vào ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như xuống giống không cần làm đất, chỉ cần rãi rơm sau khi sạ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, một mặt hạn chế cỏ dại và nước bốc hơi. Kỹ thuật tưới tràn giúp nông dân có thể mở rộng diện tích canh tác trên nền lúa.

Hiện nay Trung tâm Khuyến nông- Khuyến Ngư Đồng Tháp phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thực hiện các mô hình sản xuất đậu nành có chủng vi khuẩn cố định đạm với quy mô 100-200 ha để tăng nguồn vi khuẩn cố định đạm có sẵn trong đất giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, giảm lượng phân đạm, giảm giá thành, năng cao năng suất, tăng lợi nhuận. Tỉnh khuyến khích nông dân trồng đậu nành luân canh trong vụ xuân hè bằng hình thức lúa – đậu – lúa và phấn đấu nâng diện tích hơn 2.000 ha. Vừa qua, Công ty Hùng Cá ký kết đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu đậu nành 1.000 ha cho nông dân. Đồng Tháp mở rộng được diện tích trồng luân canh đậu nành với lúa, góp phần nâng cao sản lượng đậu nành trong nước, hạn chế được việc nhập khẩu đậu nành.

Hiệu quả bước đầu từ giống dưa lê Kim Cô Nương


Một số hộ dân ở huyện Vị Thủy đã tiên phong trong việc trồng dưa lê Kim Cô Nương vụ đầu tiên ở tỉnh Hậu Giang với diện tích 2 ha. Đây là giống dưa lê do Trường đại học Cần Thơ nghiên cứu và giới thiệu cho những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa hấu.

Nông dân Huỳnh Văn Đông trồng 6.000 m2 dưa lê Kim Cô Nương cho biết: Trước giờ không nghe ai nói có trồng dưa lê ở Hậu Giang, khi được Trường đại học Cần Thơ giới thiệu và hướng dẫn cách trồng, mọi người đều bỡ ngỡ vì không biết đi đâu xem cách người ta trồng và hỏi kinh nghiệm của ai. Nhưng khi công ty Nông trại sinh thái Ecofarm ký hợp đồng bao tiêu thì ai cũng phấn khởi, tìm đến các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ và cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ hơn, sâu hơn về cách chăm sóc trong từng giai đoạn, cách giữ trái và chăm sóc trái. Qua chăm sóc thấy trồng dưa lê cũng giống như trồng dưa hấu, hiện ruộng dưa phát triển tốt, đang cho trái to, đảm bảo thu nhiều lợi nhuận.

Gia đình ô ng Võ Văn Năng có diện tích trồng dưa lê lớn nhất với gần 8.000 m2. Theo ông Năng, đã có kinh nghiệm trồng dưa hấu nhiều năm nên ông mạnh dạn đầu tư cho dưa lê vì thấy giá bao tiêu công ty đưa ra là 10.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giá dưa hấu. Ông cho biết: Giống dưa lê mọi người thường ăn là dưa lê Hoàng Kim, có vỏ vàng trắng, trái nhỏ, ăn giòn nhưng không ngọt. Dưa lê Kim Cô Nương trái to trên dưới 1kg, vỏ vàng đậm nên rất thích hợp để bày trên bàn thờ hay bày ở phòng ăn, dưa có độ đường 15 - 18%, ngọt hơn dưa lê Hoàng Kim và dưa hấu nên được ưa chuộng hơn. Để chăm sóc cho trái đẹp, khi trái dưa lê bắt đầu lớn thì cắm các cọc nhỏ, treo dây rồi cột cuốn dưa lên dây để trái dưa không bị lá che ánh nắng làm dưa tròn, vỏ màu vàng đều, vừa đẹp vừa bán được giá. Ước tính năng suất dưa lê khoảng 2 tấn/1.000 m2, với 16 tấn khi thu hoạch, có thể lãi gần 100 triệu.

Dưa lê Kim Cô Nương mang lại giá trị kinh tế cao, đã tìm được đầu ra ngay từ vụ đầu tiên nên các cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Vị Thủy theo dõi và hướng dẫn bà con cách chăm sóc, cách để trái nhằm đạt hiệu quả cao và nhân rộng mô hình này trong các vụ dưa tới.


Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Xuân Dự
Đảm bảo dinh dưỡng với sữa đậu nành
Đảm bảo dinh dưỡng với sữa đậu nành

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng gần đây đã lên tiếng cảnh báo, xu hướng béo phì, thừa cân và tình trạng gia tăng một số loại bệnh tật như tim mạch, tiểu đường… có liên quan đến chế độ ăn uống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN