Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị

Thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp.

Khó khăn trong chuyển đổi sản xuất

Tỉnh Trà Vinh xác định kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, với gần 185.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 79% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong số khoảng 97.000 ha đất trồng lúa của tỉnh có hơn 10.000 ha đất giồng cát sản xuất lúa không hiệu quả, khó khăn về nguồn nước tưới vào mùa khô. Để khai thác tiềm năng đất đai hiệu quả, Trà Vinh đã thực hiện nhiều giải pháp vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, nuôi thủy sản... cho hiệu quả cao hơn. Thế nhưng sau 3 năm triển khai, tỉnh mới chuyển đổi được gần 6.000 ha, đạt khoảng 66% kế hoạch.

Thu hoạch lúa ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cây màu còn nhiều bấp bênh, điệp khúc “được mùa mất giá” thường xuyên diễn ra. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đòi hỏi nông dân phải đầu tư nhiều hơn về vốn, kỹ thuật canh tác, cơ sở hạ tầng kỹ thuật…

Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn dễ tiêu thụ trên thị trường là cần thiết, nhưng ngoài những vùng chuyên canh như: ngô, dưa hấu, lạc, cam sành, đa phần diện tích canh tác cây rau màu trong tỉnh vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ. Các khâu tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững.

Ngoài ra, cơ chế chính sách cũng còn hạn chế như: Chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu theo Quyết định 580/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ có hiệu lực trong vụ hè thu và thu đông 2014, vụ đông xuân 2014 -2015, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha về giống; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, nguồn ngân sách tỉnh không tự cân đối được…

Hiệu quả không cao, nhiều rủi ro, cùng cơ chế chính sách chưa phù hợp và thiếu kịp thời là những trở ngại trong kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Số doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm có rất ít. Trong số 23 doanh nghiệp tham gia liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 3 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản, số còn lại chủ yếu liên kết để bán vật tư đầu vào.

Thương lái thu mua nghêu của Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Mặt khác, công tác quản lý quy hoạch không chặt chẽ và thiếu kịp thời dẫn đến tình trạng nhiều địa phương chuyển đổi rất quyết liệt, nhưng không bám theo quy hoạch, dẫn đến sản xuất tự phát, không đồng bộ với đầu tư kết cấu hạ tầng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường và tác động xấu đến môi trường.

Đơn cử như phong trào phá bỏ diện tích trồng lúa chuyển sang đào ao nuôi cá lóc tự phát của nông dân huyện Trà Cú. Đến nay, toàn huyện có khoảng 2.000 hộ nông dân nuôi cá lóc trên tổng diện tích hơn 250 ha. Điều đáng lo ngại là địa phương không đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như không chủ động được nguồn nước, không có ao chứa nước thải… Thêm nữa, thị trường loại thủy sản này hiện chỉ tiêu thụ nội địa nên tiếp tục mở rộng diện tích sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá cả xuống thấp là điều khó tránh khỏi.

Đồng bộ các giải pháp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục chuyển đổi thêm 12.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản cho hiệu quả cao hơn, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng lộ trình, đạt hiệu quả và phát triển bền vững, tỉnh Trà Vinh cần có nhiều giải pháp và thực hiện một cách đồng bộ.

Trước tiên, ngành nông nghiệp Trà Vinh cần rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch chi tiết sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh, quy hoạch kết cấu hạ tầng…; đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật thay các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu; hình thành vùng chuyên canh, chuyên nuôi với quy mô sản xuất hàng hóa; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vảo sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân…; khuyến khích nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất để giảm rủi ro, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, đồng thời dễ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay, thị trường tiêu thụ…

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, để giải bài toán về thị trường, các sở, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng các chương trình tìm đầu ra cho nông sản; hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, xuất xứ sản phẩm hàng hóa, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức cửa hàng bán nông sản VietGAP. Song song đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu mối cần củng cố vì các doanh nghiệp thu gom hàng nông sản trên địa bàn hiện rất ít và hạn chế về năng lực tài chính, khả năng tiếp cận thị trường. Tỉnh Trà Vinh đang giải ngân nguồn vốn 5 tỷ đồng của Quỹ Hỗ trợ và phát triển Hợp tác xã, đây là điều kiện để các hợp tác xã trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, địa phương phải đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tại các vùng chuyển đổi; áp dụng phương pháp tiết kiệm nước, nâng hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và tỉnh để thu hút đầu tư, tăng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn…

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cầu cây trồng trên đất trồng lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xem xét chính sách hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu, khoa học công nghệ, phát triển các mối liên kết… để khuyến khích người dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi sản xuất, đảm bảo được tính hiệu quả bền vững.
Thanh Hòa
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào trong xã, Đảng ủy xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích đất canh tác, qua đó góp phần tăng thu nhập cho bà con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN