Tránh nóng vội khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Hạt gạo bấp bênh đầu ra đã khiến ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tính toán đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mục tiêu làm sao mang lại hiệu quả nhất nhưng phải bền vững.

 

Giảm lúa tăng màu


Được đánh giá là địa phương có sự nhanh nhạy trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã mạnh dạn chuyển hơn 10.000 ha lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây ngô. Ngoài ra, tại các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân... , cứ sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, nhà nông không tiếp tục “chung thủy” với cây lúa mà bắt tay vào luân canh các loại cây khác như: ngô, đậu... Việc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cho nhà nông. Tương tự, tại các vùng có đê bao khép kín ở tỉnh Đồng Tháp như huyện Tân Hồng, Tam Nông... , nhà nông đã không trồng lúa mà chủ động chuyển sang trồng rau màu cho lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.


 

Bà con huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) chuyển đổi cây lúa sang trồng hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Theo kết quả khảo sát của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trồng ngô mang lại mức lãi gấp ba lần, đậu nành hơn hai lần... so với trồng lúa. Là vựa lúa - khu vực cung cấp chủ yếu lượng gạo xuất khẩu của cả nước, từ lâu nhà nông các tỉnh ĐBSCL đã xem cây lúa như cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, rau màu hoặc mô hình luân canh lúa - màu rất giàu tiềm năng vẫn chưa được người dân khai thác. “Nước ta là quốc gia nông nghiệp nhưng lại đang phải nhập khẩu một lượng nông sản rất nhiều. Chỉ tính riêng kim ngạch nhập khẩu ngô, đậu nành... về chế biến thức ăn chăn nuôi đã hơn 3 tỉ USD/năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2012 đạt mức kỷ lục cũng chỉ thu về khoảng 3,7 tỉ USD”, ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết.


Theo khuyến cáo của Viện lúa ĐBSCL, nhà nông không nên độc canh cây lúa vì như thế chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Giữa hai vụ lúa đông xuân và hè thu, bà con nên trồng vụ màu để vừa cắt được nguồn lây lan dịch bệnh, vừa giúp cải tạo đất, góp phần tăng năng suất lúa. Theo các chuyên gia trong ngành, hiện sản lượng lúa tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa giảm liên tục và các doanh nghiệp, nhà nông gặp khó trong việc tiêu thụ lúa gạo. Vì thế, theo ông Dư, ngành nông nghiệp đang có kế hoạch điều chỉnh khoảng 200.000 ha lúa vụ thu đông ở các tỉnh ĐBSCL và lúa vụ mùa ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc để trồng các loại cây trồng khác cho lợi ích kinh tế cao hơn.

 

Cần tính toán kỹ


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đã xây dựng Đề án phát triển sản phẩm chiến lược và ngay từ vụ đông xuân tới sẽ bắt tay ngay vào việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng. Nhằm quản lý đất lúa hiệu quả hơn, tránh tư tưởng nóng vội ảnh hưởng đến an ninh lương thực, Bộ đã ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn cho người dân giữ đất lúa, cũng như cách trồng xen canh cây màu cho thu nhập cao. “Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thông tư hướng dẫn, cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa để trồng các loại cây trồng khác có lợi thế hơn nhưng không làm thay đổi công năng sản xuất lúa về lâu dài, đồng thời hình thành các vùng sản xuất ngô, đậu tương hàng hóa tập trung”, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.


Tại hội nghị về chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL được tổ chức mới đây tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải được tính trong tổng thể trên cơ sở khảo sát, điều tra kỹ càng, tìm hiểu cân đối nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Điều cần lưu ý là không phải cứ muốn chuyển đổi là thành công mà còn tùy thuộc rất nhiều vào giống, loại cây trồng nào thích nghi điều kiện đất đai, hạ tầng đảm bảo nguồn nước bơm tưới, cơ giới hóa sau thu hoạch và nhất là nông phẩm làm ra có sức cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định... Việc chuyển đổi này nhằm mục đích giúp nhà nông ổn định được đầu ra cho sản phẩm, nâng thu nhập, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào cây lúa tuy nhiên không thể nóng vội, chạy theo ảo tưởng, chuyển đổi sản xuất bằng mọi giá.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN