Chuẩn bị tốt nguồn nguyên phụ liệu để phát triển bền vững ngành da giày

Với những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, ngành da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành cần có sự chuẩn bị tốt, nhất là nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Đây là nhận định được nêu ra tại Hội nghị quốc tế Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam, do Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 15/4.

Cơ hội tốt cho ngành da giày


Hiện Việt Nam là điểm đến quan trọng của xu thế dịch chuyển sản xuất da giày thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2017, thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi tại Hoa Kỳ và châu Âu, trong khi chi phí sản xuất tăng lên tại Trung Quốc, khiến đơn hàng nhập khẩu da giày có xu hướng chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Làn sóng đầu tư mới trong nước và nước ngoài đã tăng lên đáng kể sau khi Việt Nam ký các hiệp định FTA, thu hút nhiều nguồn vốn mở rộng sản xuất và xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam.

Phân loại sản phầm giầy tại Công ty Da giầy Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, hiện Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 34,5% và EU là 31,5%. Các thị trường này Việt Nam đều giữ được vị trí xuất khẩu đứng thứ hai, đồng thời giữ được mức tăng trưởng tương đối tích cực. Trong khi đó, một số nước cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này, nhất là tại EU có dấu hiệu giảm tăng trưởng. Đây là cơ hội khá tốt cho ngành da giày Việt Nam.


Năm 2016, ngành da giày đạt giá trị xuất khẩu 16,2 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, đứng thứ ba thế giới về sản lượng và thứ hai về giá trị xuất khẩu. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu tới gần 50 nước với các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu hiện chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI (khoảng 81%), trong khi các doanh nghiệp nội địa khá thấp.


Để tăng sức cạnh tranh của ngành, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, cần tập trung vào ba yếu tố là nhân lực, trình độ quản lý và trình độ của người lao động. Chúng ta vẫn có lợi thế về chi phí lao động rẻ nhưng vẫn phải quản lý tốt, đồng thời đào tạo lại nhân lực về thiết kế, kinh doanh, marketing cho ngành.


Đầu tư phát triển nguồn nguyên phụ liệu


Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng “Quy hoạch phát triển tổng thể ngành da giày Việt Nam tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2035”. Theo đó, Việt Nam dự kiến đạt sản lượng 2 tỷ đôi giày dép năm 2025 (gấp hai lần năm 2016), với kim ngạch xuất khẩu trên 30 tỷ USD; đạt 3 tỷ đôi năm 2035 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 tỷ USD.


Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), với nhu cầu nguyên phụ liệu tăng cao, nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu, ngành da giày sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ngành cần thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất da thuộc, vải giả da tráng PU và các nguyên liệu, phụ kiện khác. Bộ Công Thương sẽ xem xét kiến nghị nhà nước dành các khu/cụm công nghiệp chuyên ngành sản xuất nguyên phục liệu cho da giày.


Đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết, nhập khẩu da thuộc giai đoạn 2011 - 2016 đang tăng lên, trung bình hơn 20%/năm. Do các nhà máy thuộc da trong nước không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, nên các đơn vị phải nhập da có chất lượng cao từ Italia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).


Hiện sản xuất da thuộc và nguyên liệu tại Việt Nam đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40 – 50%. Dù cung cấp da thuộc chưa đủ, nhưng so với năm 2010, đã tăng gấp 15 lần vào năm 2015. Tuy nhiên, với định hướng đến năm 2025, nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất cũng sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Để phát triển nhanh và bền vững ngành da giày cần chủ động nguồn nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu.


Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, chúng ta định hướng xuất khẩu cao nhưng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, nên giá trị gia tăng thấp. Trong 5 năm tới, nếu không thay đổi trong ngành về cách thức kinh doanh mới, tăng trưởng về xuất khẩu sẽ chậm lại.


Bên cạnh ưu tiên cho sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, ông Phan Chí Dũng cho rằng, ngành da giày cần tái cơ cấu sản xuất theo hướng tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm; giảm dần hình thức gia công đơn giản, tăng khả năng thiết kế và tự cung cấp nguyên phụ liệu; tập trung sản xuất sản phẩm trung – cao cấp, hợp thời trang cho thị trường. 

Vũ Tiến Lực (TTXVN)
Ngành da giày không đạt mục tiêu tăng trưởng
Ngành da giày không đạt mục tiêu tăng trưởng

Ngành da giày của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tăng trưởng 8% trong doanh thu xuất khẩu, thấp hơn mức chỉ tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN