Hơn 300 doanh nghiệp tham dự triển lãm quốc tế da giày 2015

Sáng 15/7, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam đã tổ chức triển lãm quốc tế da và giày lần thứ 17 (Shoes & Leather VietNam 2015) kết hợp với “Triển lãm quốc tế sản phẩm, thành phẩm da & giày” và “Triển lãm quốc tế trang thiết bị và phụ liệu ngành dệt may” tại Trung tâm triển lãm quận 7, TP Hồ Chí Minh.


Hơn 300 nhà sản xuất, cung ứng trong nước và quốc tế đến từ 25 quốc gia và khu vực đã đến tham gia triển lãm với nội dung triển lãm phong phú, như máy móc sản xuất giày; máy móc sản xuất da thuộc; máy móc sản xuất sản phẩm da; da /da thuộc; phụ liệu giày; hóa chất; phụ kiện; da thời trang; da nội thất, máy móc thiết bị ngành may mặc, nguyên phụ liệu - phụ kiện may mặc, vải, và đặc biệt là sản phẩm / thành phẩm giày - da… .

Khách tham quan đang tìm hiểu nguyên liệu sản xuất đế giữa của giày thể thao tại gian hàng Dow Elastomers


Theo Bộ Công Thương, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với những công nghệ, nguồn nguyên liệu, thiết bị mới. Đồng thời, ngành da giày cũng có thêm cơ hội tiếp nhận thêm nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại.



Đặc biệt, triển lãm năm nay đón tiếp 11 nhóm và đoàn quốc gia. Ngoài các nhóm, đoàn đến từ Brazil, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã tham gia năm trước, năm nay còn có sự góp mặt lần đầu tiên của nhóm và đoàn quốc gia như Hồng Kông, Ấn Độ, Ý, Malaysia, Thái Lan (TFA), Thổ Nhĩ Kỳ. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, đây là minh chứng cho thị trường Việt Nam đầy tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp da – giày.


Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm, toàn ngành da - giày - túi xách Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giày dép ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 16% và túi xách các loại đạt 1,45 tỷ USD tăng 27%. Hiện các sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 quốc gia và Việt Nam tiếp tục nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng, lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá. Mục tiêu trong năm nay, toàn ngành da - giày - túi xách Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa đạt 65% và đạt 80% vào năm 2020.


Ông Andrew Yen, Giám đốc Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương ngành hàng Tiêu dùng và Giày dép của Dow Elastomers, cho biết mục tiêu của Bộ công thương và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Bởi việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP trong năm nay sẽ mở ra cơ hội cho chuỗi cung ứng mới. Cụ thể, sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, trong đó các ngành phụ tùng ô tô, điện thoại di động, nguyên liệu đầu vào cho giày dép đều cần nhà cung cấp toàn cầu của mình cùng đầu tư vào Việt Nam để rút ngắn chuỗi cung cấp và hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ. Vì thế, Dow Elastomers tham gia triển lãm lần này cũng là mục tiêu đón đầu nhu cầu của các doanh nghiệp ngành da giày do các nhà sản xuất đẳng cấp thế giới cần có nguyên liệu đầu vào hóa học cùng đẳng cấp.


Ông Andrew Yen cũng kỳ vọng, sẽ mở rộng hơn nữa đối tác, khách hàng của mình tại thị trường Việt Nam khi Việt Nam gia nhập TTP bởi tiềm năng khách hàng ngành da - giày tại Việt Nam cực kỳ lớn. Hiện doanh nghiệp sản xuất ngành da giày tại Việt Nam chiếm 50% so với toàn thế giới. Đây là yếu tố thúc đẩy cho những doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu phụ trợ da giày tại Việt Nam phát triển mạnh.


Triển lãm quốc tế da và giày lần thứ 17 diễn ra trong 3 ngày, từ 15 - 17/7,  dự kiến sẽ có hơn 10.000 lượt khách chuyên ngành đến từ Việt nam và các quốc gia và khu vực tham quan, giao dịch.


Hải Yên (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN