Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài 2

Theo đánh giá của các công ty chuyên về lĩnh vực cao su thế giới, thị trường cao su thế giới đang “dội chợ” với sản lượng thừa hàng trăm nghìn tấn và giá cả cũng đã giảm mạnh. Sự khủng hoảng thừa của thị trường thế giới đã kéo theo các doanh nghiệp trong nước tồn kho rất nhiều.


60% cao su xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc


Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG) vào đầu tháng 5/2014, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2014 sẽ thừa khoảng 714.000 tấn. Còn Công ty tư vấn Rubber Economist (Luân Đôn) dự báo cao su thiên nhiên năm nay sẽ thừa 652.000 tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Điều này tạo ra lượng tồn kho cao su lớn nhất trong vòng một thập niên trở lại đây.

 

Cây cao su hết thời “vàng son” bị phá bỏ ở Tân Châu (Tây Ninh).

Trước tác động bất lợi của thị trường thế giới, giá cao su xuất khẩu tại Việt Nam tiếp tục sụt giảm, khiến doanh nghiệp sản xuất cao su gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. Theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), năm 2014, thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên trì trệ, sụt giảm mạnh so với đỉnh điểm của năm 2011. Thêm vào đó, lượng cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn trầm lắng đã làm lượng cao su tồn kho tăng, tạo áp lực giảm giá từ đầu năm đến nay. Theo đó, hơn 6 tháng đầu năm, VRG đã khai thác gần 60.000 tấn mủ (đạt 23,1% kế hoạch), sản lượng thu mua hơn 13.000 tấn (chỉ bằng 19% kế hoạch). Bên cạnh đó, VRG cũng chế biến 75.308 tấn (22,2% kế hoạch) và tiêu thụ 81.810 tấn cao su các loại (chiếm 28,8% kế hoạch năm). Doanh thu 6 tháng đầu năm của VRG đạt 3.728 tỷ đồng (chỉ 24,6% kế hoạch).


Trong khi đó, theo ông Đoàn Văn Lực (Hiệp hội Cao su Việt Nam), xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện nay chiếm đến 60% sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Trong khi đó, thời điểm tháng 5/2014, tại cảng Thanh Đảo (Qing Đao) - cảng giao dịch quốc tế về cao su thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), vẫn còn thừa 300.000 tấn mủ, chưa kể Thái lan đang “xả hàng” khoảng 200.000 tấn nữa để giải phóng kho dự trữ. Từ đó, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tuy giá hạ từ 25 - 30% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng mặt hàng này vẫn ế ẩm, khó tiêu thụ được với số lượng lớn.


Cũng theo ông Lực, tính đến giữa tháng 6/2014, chỉ tính riêng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tồn kho khoảng 10.000 tấn mủ cao su, trị giá trên 350 tỷ đồng. Lý do hàng tồn ngày càng nhiều là vào quí 4 năm trước, các doanh nghiệp cao su đã tập trung thu mua nguyên liệu để dự trữ, chế biến trong thời gian hết mùa vụ khai thác (thời gian cao su thay lá, từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch), trong khi giá cao su thành phẩm liên tục giảm từ 45 - 50 triệu đồng/tấn vào thời điểm tháng 6/2013 xuống chỉ còn 35 triệu đồng/tấn hiện nay. Trước tình hình càng đẩy hàng ra càng lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp gồng mình giữ hàng, chờ lên giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thu mua mủ của nông dân để giữ mối đầu vào và tạo công ăn việc làm cho công nhân nhà máy.


Chủ động tìm thị trường mới


Năm tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu được 239.000 tấn cao su, trị giá 473 triệu USD, giảm 20,2% về lượng và 39,2% về giá trị so với cùng kỳ 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm là 1.990 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kì 2013. Theo nhận định của VRG, từ nay đến cuối năm, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước chưa cho thấy dấu hiệu khả quan, sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ cao su. Đặc biệt, nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ chưa tăng sẽ khó có khả năng thúc đẩy giá bán cao su tăng.


Trước tình trạng thị trường cao su tại Trung Quốc đang “đóng băng” và ép giá, một số doanh nghiệp cao su có tiềm lực về vốn đã đầu tư máy móc thiết bị, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu thu mua, chế biến nhằm cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định để chuyển hướng sang thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ... Chẳng hạn, Công ty TNHH Sản xuất cao su Liên Anh (TP Tây Ninh) trong 5 tháng đầu năm 2014 đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Đức, Ai Cập... được 8.500 tấn cao su với trị giá 18,5 triệu USD. Trong khi trước đó, 80% sản phẩm của công ty xuất sang thị trường Trung Quốc.


Trong khi đó, nhận định thị trường tiêu thụ cao su năm 2014 sẽ không thuận lợi nên VRG đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến thị trường. Theo đó, VRG đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường ký các hợp đồng dài hạn với khách hàng truyền thống, tích cực tìm kiếm khách hàng mới, sản xuất đến đâu tiêu thụ tới đó, linh hoạt xây dựng nhiều phương án sản xuất kinh doanh để có giải pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, VRG còn yêu cầu các đơn vị tập trung chất lượng, thương hiệu sản phẩm theo quy trình quản lý và quốc tế hóa để sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn; đồng thời xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, VRG cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam triển khai xây dựng đề án quản lý chất lượng cao su thiên nhiên phù hợp với điều kiện Việt Nam và phương án xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Ngoài đầu tư chế biến các sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ mủ cao su, hiện VRG còn tập trung đầu tư chế biến các sản phẩm gỗ có lợi thế, hiệu quả cao, như sản phẩm gỗ MDF, để khai thác hết tiềm năng của ngành cao su, giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.


M.Thuyết - Đ.Hoảnh


Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:
Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:

Để làm rõ hơn về vấn đề người dân chặt cao su, cũng như việc tồn đọng sản phẩm của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su hiện nay, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Minh Châu (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN