Chặt phá cao su vì ế ẩm- Bài 1

Tình trạng chặt bỏ cây cao su đang diễn ra tại một số địa phương sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho người nông dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Cao su Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi chặt bỏ cây cao su. Cùng với đó, ngành cao su cần có giải p hữu hiệu như tìm thị trường đầu ra, chế biến sâu thay vì chủ yếu xuất thô như hiện nay để nâng cao giá trị cho cao su Việt Nam.

 

Bài 1: Giá cao su rớt thảm

 

Dọc theo tuyến đường ĐT785 từ thành phố Tây Ninh về huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh), người đi đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh xót xa hàng đống cây cao su được chất ven hai bên đường chờ xe tới chuyển đi hay đợi khách mua. Những cây cao su này tầm 3 - 5 năm tuổi vừa được đốn hạ để bán củi hoặc những cây lớn hơn, được cưa thành đoạn, để bán gỗ. Hình ảnh này không chỉ ở Tân Châu, mà còn xuất hiện trên các tuyến đường đi Tân Biên (Tây Ninh) và có ở các tuyến liên huyện ở tỉnh Bình Phước.

Hình ảnh cây cao su bị phá bỏ xuất hiện nhiều nơi ở Tây Ninh và Bình Phước.


Đó là hệ quả của việc giá thu mua mủ cao su đã giảm sâu từ đầu năm đến nay khiến người trồng cao su, một thời được mệnh danh là “vàng trắng” không còn có lãi. Theo đó, nhiều chủ vườn cao su ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước... không thể cầm cự được nữa, đã ồ ạt phá bỏ vườn, bất kể cây còn non hay đang cho lấy mủ, để chuyển sang trồng cây khác. Theo ghi nhận của phóng viên, nếu như thời “hoàng kim” cách đây 3 - 4 năm, giá mủ cao su ở mức từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (quy khô), thì đầu năm 2014 đã xuống còn khoảng 50.000 đồng/kg và hiện tại chỉ còn 28.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng sẽ lỗ nặng bởi việc mở miệng cạo mủ đã tốn thêm hàng chục triệu đồng để đầu tư kiềng, máng, chén; đồng thời phải thuê nhân công cạo mủ và công chăm sóc lại vườn cây... Theo ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, tính đến tháng 6/2014, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có gần 2.000 ha cao su bị người dân đốn bỏ. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Châu khoảng 700 ha, Tân Biên 600 ha, Châu Thành trên 70 ha. Diện tích cao su bị chặt bỏ có độ tuổi từ 5 năm trở xuống khoảng gần 300 ha, số còn lại là cao su đã cho khai thác từ 10 năm trở lên.


Tại tỉnh Bình Phước, nhiều diện tích cao su cũng bị người dân đốn hạ. Ông Năm Trường xã Tân Phước, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có 4 ha cao su 6 năm tuổi. Đầu mùa mưa này, vườn cao su của ông bắt đầu cho khai thác mủ. Thế nhưng ông Trường vừa quyết định cưa bỏ toàn bộ để lấy đất trồng sầu riêng. “Với giá mủ thấp như hiện nay, nếu có mở miệng khai thác cũng lỗ vì chi phí nhân công, phân bón hiện rất cao, còn giữ lại thì phải tự cạo nhưng bỏ công chưa chắc đã có lời. Nếu chờ giá tăng thì biết đến bao giờ, trong khi đầu tư trồng sầu riêng thời gian cho thu hoạch nhanh hơn, giá cả cũng tương đối ổn định. Tôi quyết định chặt cao su trồng sầu riêng bởi những năm đầu có thể tận dụng diện tích đất để trồng các loại cây ngắn ngày lấy thu nhập đắp vào công chăm sóc, phân bón”, ông Trường nói. Theo ông Trường, hiện ông có 1 ha sầu riêng, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng lãi.


Tương tự, ông Hai Bường, ngụ phường Long Phước, huyện Bù Gia Mập cũng vừa cưa 2 ha cao su hơn 12 năm tuổi đang thời kỳ cho khai thác mủ nhiều để lấy đất trồng điều. Ông Bường nói: “Khi cưa cao su trồng điều, nhiều người bảo tôi khùng bởi bây giờ người ta đang đốn điều thì tôi lại trồng điều, nhưng nếu cứ trông chờ vào giá mủ tăng thì có mà chết đói. Nếu chăm sóc tốt, 1 ha điều có thể đạt 4 tấn. Với giá điều thấp, chỉ cần ở mức 25.000 đồng/kg, vẫn cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản chi phí”.


Trong khi đó, nhiều diện tích cao su có tuổi đời từ 12 đến trên 20 năm cũng được người dân cưa để bán gỗ. Đây là những diện tích cao su tiểu điền, được trồng ào ạt vào thời điểm giá cao su tăng cao nên chất lượng cây giống không đảm bảo, cho năng suất thấp. Hiện một ha cao su từ 12 năm tuổi trở lên, được các nhà máy chế biến gỗ thu mua với giá từ 80 - 150 triệu đồng (tùy chất lượng gỗ và đường kính thân). Với số tiền thu được từ bán gỗ cao su, người dân có đủ chi phí để tái đầu tư trồng cây trồng khác. Trong khi đó, hiện có rất nhiều hộ dân khác lại thực hiện rong cành, tỉa nhánh và thậm chí cắt cả ngọn để hạn chế cao su phát triển; đồng thời tận dụng đất trống xung quanh để trồng cây trồng khác. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện có gần 200 ha cao su 2 - 3 năm tuổi đã bị nông dân chặt ngọn, không khai thác để giữ đất trồng sắn.


Trước tình hình người dân phá bỏ cao su để trồng cây trồng khác, các địa phương đã khuyến cáo, vận động các hộ dân không nên chặt bỏ cây cao su non vì đã tốn chi phí đầu tư, chăm sóc rất nhiều. Việc phá bỏ vừa gây lãng phí, mất mát tiền bạc và có thể phá vỡ vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh của địa phương. Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cây cao su quản lý và thực hiện tốt quy hoạch cây trồng của tỉnh; tăng cường tuyên truyền cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá cây cao su non, gây thiệt hại đến kinh tế. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến cáo người dân trong thời điểm cao su rớt giá, bà con nông dân có thể trồng xen canh cây sắn để cải thiện kinh tế; hay áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trong các khâu chăm sóc, bón phân, khai thác để tăng sản lượng, góp phần tăng giá trị sản xuất.

 

M.Thuyết - Đ.Hoảnh


Bài 2: Ngành cao su khủng hoảng thừa

Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:
Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:

Để làm rõ hơn về vấn đề người dân chặt cao su, cũng như việc tồn đọng sản phẩm của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su hiện nay, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Minh Châu (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN