Khai thác tiềm năng biển đảo trong thời kỳ hội nhập - Bài 2: Đánh thức tiềm năng than vùng thềm lục địa

Vùng thềm lục địa nước ta với diện tích khoảng 1 triệu km2 có tiềm năng than rất lớn với mật độ chứa than lớn, các lớp than nằm gần mặt đất.

Khai trường của Công ty than Núi Hồng - VVMI (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Bên cạnh đó, điều kiện khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện tại cho phép khai thác than ở mức sâu dưới đáy biển và thực tế công nghệ này đã được triển khai ở một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc… Với nhu cầu ngày một tăng về năng lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển trong tương lai của nền kinh tế, việc quy hoạch thăm dò và lập kế hoạch khai thác than vùng thềm lục địa là định hướng đúng đắn.

Nói đến “Than” ở nước ta, thường nghĩ đến địa danh Quảng Ninh như một nơi sản xuất than lớn nhất cả nước. Bởi tại Quảng Ninh sản lượng than hàng năm chiếm tới hơn 90% sản lượng than khai thác trên cả nước. Song trong những năm sắp tới, việc khai thác than ở Quảng Ninh ngày một khó khăn do phạm vi khai thác chuyển dần từ phần nông xuống phần sâu, kéo theo việc nhiều đơn vị phải thay đổi công nghệ từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò.

Trước tình hình đó, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những chiến lược, chính sách phù hợp nhằm nâng sản lượng đồng thời tìm kiếm các nguồn cung cấp khác nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh than Quảng Ninh và một số mỏ nhỏ ở các địa phương đã được tìm kiếm đánh giá và đưa vào khai thác, Chính phủ và Tập đoàn TKV đã chú ý đến một số khu vực chứa than có tiềm năng khác của Việt Nam, trong đó bể than Đồng bằng sông Hồng được đánh giá có nhiều triển vọng.

Với diện tích 3.500 km2, được phát hiện trong quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí vào những năm thập kỷ 70, trữ lượng dự báo của bể than Đồng bằng sông Hồng khoảng 210 tỷ tấn (khảo sát đến độ sâu -3.500 m). Từ năm 1997 đến năm 2002, trong khuôn khổ dự án 5 năm, Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn TKV) đã hợp tác với Tổ chức năng lương Nhật Bản (NEDO) tiến hành khảo sát thăm dò chi tiết phần nông của bể than này.

Vùng khảo sát theo dự án bao gồm: Tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thái Bình và một phần tỉnh Hà Tây, Hà Nội. Kết quả thăm dò đã xác định được tài nguyên than dự báo khoảng 30 tỷ tấn (đến độ sâu 1.700m).

Công tác điều tra khảo sát Công ty cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin cho thấy, ngoài các vùng than trọng điểm như Quảng Ninh, than Đồng bằng sông Hồng (đã được thăm dò, xác định) nước ta còn có một nguồn tài nguyên than vô cùng lớn, nằm trong vùng thềm lục địa mà trữ lượng than Đồng bằng sông Hồng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng trữ lượng tài nguyên than nói trên.

Lịch sử nghiên cứu than Thềm lục địa nước ta đã trải qua quá trình nghiên cứu từ rất lâu. Ban đầu, do điều kiện khoa học kỹ thuật và tài liệu còn hạn chế các nhà địa chất mới chỉ tập trung nghiên cứu trong phần đất liền (than Đồng bằng sông Hồng) và đánh giá triển vọng ngoài khơi thềm lục địa về mặt tiềm năng.

Năm 2006, Tập đoàn TKV đã phối hợp cùng Viện Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành tổng hợp, phân tích các tài liệu địa chất liên quan đến trầm tích chứa than ở thềm lục địa nước ta. Bộ tài liệu “Đánh giá triển vọng than thềm lục địa Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng để các nhà nghiên cứu có những kế hoạch, chiến lược cho quá trình ổn định và phát triển lâu dài của Than Việt Nam cũng như chính sách an ninh năng lượng quốc gia.

Theo các tài liệu phân tích đã xác định, vùng thềm lục địa nước ta với diện tích khoảng 1 triệu km2 có 8 bể trầm tích chứa than lớn đó là: Bể sông Hồng, bể Hoàng Sa, bể Trường Sa, bể Phú Khánh, bể Tư Chính -Vũng Mây, bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn và bể Malay -Thổ Chu.

Bức tranh địa tầng của các bể đã tạo nên sự liên kết tổng hợp giữa chúng với nhau cũng như giữa chúng với các vùng phụ cận. Hầu hết các bể trầm tích Đệ Tam trên thềm lục địa Việt Nam đều có lịch sử phát triển địa chất tương tự với các bể khác ở Đông Nam á, liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của Biển Đông từ Eoxen đến nay. Các bể Đệ Tam được lấp đầy bởi các trầm tích đầm hồ, châu thổ, biển thềm, biển mở…

Do quá trình phát triển, chúng chịu ảnh hưởng của các biến cố địa chất khác nhau, rất nhiều khoảng địa tầng chứa than có giá trị phát triển khá rộng rãi ở cả đất liền và thềm lục địa. Giai đoạn phát triển và mở rộng các bể trầm tích Đệ Tam không chỉ đã tạo nên những tầng chứa dầu khí quan trọng mà còn hình thành nhiều tập, vỉa than.

Đồng thời với quá trình lắng đọng trầm tích đã hình thành khối lượng than bùn rất lớn. Chúng không chỉ là đối tượng quan trọng của công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí mà còn là đối tượng tìm kiếm thăm dò than Đệ Tam và các khoáng sản khác.

Dây chuyền vận chuyển than tại cảng than của Công ty Than Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Các kết quả nghiên cứu đặc điểm các bể than thềm lục địa Việt Nam có thể được khái quát như sau: Bể than sông Hồng phân bố dọc theo bờ biển nước ta từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi với diện tích khoảng 79.663 km2.

Trên cơ sở phân tích các tài liệu 14 giếng khoan gặp than cho biết: Các vỉa than có chiều dày từ 0,5 m đến 20 m, trung bình 2,32 m, tổng chiều dày các lớp than trong từng lỗ khoan thay đổi từ 3 m đến 187 m, trung bình 30,73 m. Các vỉa than phân bố từ chiều sâu 850 m đến 3931 m. Chiều dày vỉa thay đổi từ 0.5 m đến 20 m, trung bình 2.32 m. Dự báo tổng trữ lượng than toàn bể là 1.400423 triệu tấn.

Bể than Phú Khánh phân bố từ Quy Nhơn đến Phan Giang. Hiện đã khoanh được diện tích phân bố than theo chiều ngang khoảng: 34.800 km2. Bể than Cửu Long phân bố dọc theo bờ biển từ Phan Rang - Phan Thiết đến mũi Cà Mau. Tổng diện tích phân bố than được xác định khoảng 21.732 km2.

Chiều dày vỉa thay đổi từ 0,5m đến 3 m, trung bình 1,28 m. Các tài liệu carota của các giếng khoan gặp than cho thấy các vỉa than có chiều dày từ 1,50 đến 15,0m, trung bình 7,80 m. Bể than Nam Côn Sơn phân bố ngoài khơi thuộc khu vực quần đảo Phú Quốc. Diện tích phân bố than được xác định là 53.240 km2. Trên cơ sở tài liệu carota của các giếng khoan gặp than đã xác định tổng chiều dày các lớp than trong từng lỗ khoan thay đổi từ 3 m đến 153 m, trung bình 19,64 m…

Mặc dù có tiềm năng rất lớn, nhưng hiện trạng khảo sát thăm dò các bể than phân bố không đều, mới chỉ tập trung ở các bể trầm tích có triển vọng dầu khí như Cửu Long, Nam Côn Sơn, sông Hồng, Mã Lai - Thổ Chu. Các bể Hoàng Sa và Trường Sa tài liệu rất ít hoặc không thu thập được. Các lỗ khoan dầu khí phần lớn đều khoan phá mẫu, cột địa tầng được xây dựng chủ yếu bằng dữ liệu đo carota. Các mẫu phân tích chủ yếu lấy theo mùn khoan, mẫu sườn.

Do đối tượng nghiên cứu dầu khí là các tầng cấu tạo nằm sâu như Mioxene, Olioxen và tầng móng các tầng nông chứa than như Pliocene và Đệ tứ ít được quan tâm. Các tài liệu nghiên cứu tổng hợp địa chấn, từ, trọng lực... còn ít. Số lượng lấy mẫu phân tích lên tới hàng nghìn mẫu song số lượng mẫu than rất ít, không được chú trọng nên chất lượng than chưa được xác định cụ thể.

Tiềm năng than vùng thềm lục địa nước ta là rất lớn, chủ yếu là than Neogen. Bể Sông Hồng và Mã Lai -Thổ Chu có trữ lượng dự báo khoảng trên 60% tổng trữ lượng than thềm lục địa nước ta với mật độ chứa than lớn, các lớp than nằm gần mặt đất được đánh giá có triển vọng lớn hơn cả.

Trong thời gian trước mắt có thể đầu tư thăm dò và đánh giá khả năng khai thác tại các khu vực thuộc miền võng Hà Nội như: Bình Minh - Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên, Tiên Hưng, Phủ Cừ, Kiến Xương, Đông Quan, Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình, các khu vực thuộc bể Ma Lai -Thổ Chu. Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay để thăm dò than vùng thềm lục địa nước ta có thể áp dụng các biện pháp thăm dò địa chấn, kết hợp khoan sâu và đo carota-thiết bị có thể gắn các cảm biến để đo các thông số trong giếng khoan là rất khả thi.
 
Văn Hào (TTXVN)
Quảng Ninh chấn chỉnh việc lợi dụng triển khai dự án đầu tư để khai thác than
Quảng Ninh chấn chỉnh việc lợi dụng triển khai dự án đầu tư để khai thác than

Cương quyết xử lý và sẽ thu hồi các dự án lợi dụng triển khai dự án đầu tư để khai thác than. Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long ngày 6/3 về công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư có xuất lộ than trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN