An toàn lao động trong khai thác than

Công tác an toàn trong lao động sản xuất than tại Quảng Ninh đang đứng trước những thách thức cần giải quyết.

Năm 2015 tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 441 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 455 người bị nạn, trong đó có 29 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 33 người. Số vụ TNLĐ chết người vẫn tập trung vào các mỏ thuộc ngành than với 17 vụ TNLĐ làm chết 20 người.

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao mức độ an toàn lao động cho thợ mỏ. Kiện toàn bộ máy chuyên trách mang tính chuyên nghiệp về an toàn, hệ thống giám sát an toàn, thanh tra an toàn, áp dụng cơ khí hóa vào khâu đào lò, thiết bị khoan thăm dò đến hệ thống thiết bị quan trắc, quản lý khí mỏ đồng thời triển khai và tổ chức tốt Tuần Quốc gia An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) - Phòng, chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016. Tập đoàn Vinacomin đề cao phương châm: Nơi nào không đảm bảo an toàn, nơi đó không được đưa công nhân vào làm việc và xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động, nhằm khắc phục kịp thời và triệt tiêu các nguy cơ, tiềm ẩn gây mất an toàn lao động, coi đó là bước đột phá giảm tai nạn lao động.

Công ty than Hà Lầm đơn vị đầu tiên của ngành than đào lò giếng đứng xuống tốc độ sâu âm 300 mét so với mực nước biển, áp lực mỏ rất lớn. Đây là nguyên nhân gây ra tai nạn cháy nổ trong lò. Cùng với việc đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng cơ khí hóa vào khâu khai thác, công ty đầu tư thiết bị cảnh báo an toàn lao động, tạo điều kiện và cải thiện làm việc cho công nhân bao gồm: Hệ thống thông gió, trạm đo khí, cấp nước cứu hỏa, phòng chống cháy nổ; hệ thống cấp khí nén trong lò, chiếu sáng, thông tin liên lạc, thiết bị thăm dò trước gương than. Đầu tư hệ thống cảnh báo khí mê-tan đặt tại gương lò khai thác 24/24 giờ, lắp đặt các trạm quạt gió chính có hệ thống đảo chiều, rà soát các thiết bị thăm dò chống bục nước, bục khí. Kiểm tra, nghiệm thu mét khoan phòng, chống bục nước và khí, cập nhật địa chất thủy văn, lắp đặt thiết bị quan trắc, thiết bị thông gió, đo khí… nối liền với toàn bộ hệ thống của công ty, giúp cho người quản lý và công nhân lường trước được những tiềm ẩn, nguy cơ mất an toàn để chủ động phòng tránh, triệt tiêu mầm họa.

Các bác sỹ đang tích cực điều trị cho các nạn nhân trong vụ cháy khí tại Công ty Than Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN

Công ty than Thống Nhất sản xuất trong điều kiện bất lợi khi hầu hết các đường lò mức âm 15 nằm trong vùng đã khai thác trước đây và đào lò nhiều nước, điều kiện sản xuất khó khăn, năng suất lao động thấp, lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Công ty phân tích những hạn chế và tồn tại trong công tác ATVSLĐ, đề ra các biện pháp khắc phục như: Rà soát, tăng cường kiểm tra, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động tạo điều kiện cho công nhân làm việc, lắp đặt, duy trì hệ thống giám sát bằng camera 24/24 giờ. 

Khảo sát, phân tích để đánh giá các tuyến đường lò, mạng gió, đưa công nghệ thông tin liên lạc vào trong đường lò, trang thiết bị hướng dẫn bằng la-de thay cho máy chuẩn, tạo điều kiện cho chỉ đạo, điều hành chính xác trong kỹ thuật đào lò, giảm chi phí sản xuất, đạt năng suất cao, đồng thời phát hiện kịp thời những nguy cơ, tiềm ẩn và có phương án phòng ngừa tai nạn lao động. Phối hợp với các cơ quan tư vấn thiết kế, chuyên gia chuyên ngành rà soát lại các công nghệ đang áp dụng trong hầm lò, đưa công nghệ phù hợp điều kiện địa chất mỏ, phù hợp khả năng quản lý kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức sản xuất và giám sát được các dự báo sự cố, tiềm ẩn dễ xảy ra tai nạn. Đầu tư đổi mới công nghệ khai thác hầm lò, chống giữ lò bằng giá khung thủy lực, giá thủy lực di động, cột chống thủy lực đơn trong các gương than, bổ sung các thiết bị khai thác có tính năng kỹ thuật cao và an toàn phù hợp với điều kiện khai thác than trong hầm lò ở độ sâu, như máy combai, khoan tự hành, vận chuyển bằng băng tải, đầu tàu điện ắc quy. Công nhân khai thác hầm lò được đào tạo bài bản và thường xuyên huấn luyện, đào tạo lại về kỹ thuật, kỹ năng lao động và an toàn để thợ lò có kiến thức trong việc thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn.

Thợ mỏ làm việc trên các công trình khai thác than lộ thiên, vận tải than, bốc xúc đất đã cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Làm việc ngoài trời, mùa khô trời nắng, bụi, mùa mưa bão thì bùn lầy, sản xuất gặp không ít khó khăn. Các công ty khai thác lộ thiên: Cọc 6, Đèo Nai, Cao Sơn, Hà Tu, Núi Béo… khai trường ở dưới moong sâu từ âm 50 đến hàng trăm mét so với mặt nước biển. Mùa mưa bão lòng moong như túi đựng nước, nước ngập trắng như mặt hồ, chỉ cần lơ là, là cả ô tô, máy xúc chìm ngập trong lòng moong chứa hàng vạn mét khối nước. 

Công ty than Đèo Nai thực hiện tốt công tác an toàn lao động, nhiều năm không để xảy ra tai nạn lao động chết người. Đèo Nai đột phá vào một số trọng điểm, tập trung cho công tác phòng ngừa, cảnh báo mất an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Triển khai công tác huấn luyện an toàn có bài bản, đặc thù riêng của khai thác than lộ thiên. Huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh. Mỗi đoàn viên, hội viên là người tuyên truyền viên đắc lực trong công tác an toàn phòng chống cháy nổ. Mùa mưa tầng than, bãi thải đất đá sạt lở, cuốn theo hàng trăm mét khối đất đá gây nguy hiểm cho con người và các thiết bị làm việc trên các tầng than và dưới moong sâu. 

Vì vậy công tác phòng ngừa tai nạn lao động kết hợp với công tác phòng chống mưa bão, phòng chống thiên tai được Đèo Nai coi trọng, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong sản xuất, bảo vệ con người và tài nguyên môi trường. Làm bờ mỏ, mương thoát nước xung quanh công trường lòng moong, giảm thiểu nước mưa xả xuống công trường, đảm bảo khai trường luôn khô ráo tạo điều kiện thuận lợi cho máy xúc hoạt động, ô tô vận tải lớn vào vận chuyển than, bốc xúc đất đá an toàn. Khai thác than lộ thiên khâu vận tải than vào sàng tuyển, vận chuyển đất đá ra bãi thải là rất lớn. Vì vậy Đèo Nai tập trung đột phá vào khâu vận tải. Đường mỏ được đầu tư bê tông hóa từ khai trường đến bãi thải đổ đất đá, đường quanh co, gấp khúc, dốc cao có biển báo, cọc tiêu, chỉ dẫn đảm bảo an toàn cho các loại xe trọng tải lớn vận hành trên từng cung đường, huấn luyện an toàn cho công nhân mới, huấn luyện định kỳ cho công nhân sử dụng vận hành, sử dụng ô tô vận tải lớn, máy xúc thủy lực gầu cầu ngược, máy khoan xoay cần… đảm bảo công nhân vào làm việc được huấn luyện để bảo vệ mình trong sản xuất.
Nguyễn Sơn Hải
Hạn chế giấy phép con trong huấn luyện an toàn lao động
Hạn chế giấy phép con trong huấn luyện an toàn lao động

Ngày 7/3, tại Hà Nội, Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) và Văn phòng tổ chức lao động thế giới tại Việt Nam (ILO) tổ chức hội thảo “Tham vấn các bên đối với Nghị định quy định hoạt động Kiểm định an toàn lao động, huấn luyện an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN