Lật lại kế hoạch đưa người Palestine tới định cư ở bán đảo Sinai của Ai Cập - Kỳ cuối

Cả Mỹ và Israel đều nêu chủ đề di dời người Palestine đến Sinai trong các cuộc đàm phán với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Mohamed Morsi.

Kỳ cuối: Quan điểm cứng rắn của Ai Cập

Không lâu trước khi qua đời, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã kể về những lời đề nghị như vậy, nhưng ông đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị này. Năm 2019, Bộ trưởng Thông tin Palestine Nabil Abu Rudeineh cũng cho biết Tổng thống Mohamed Morsi, người bị phế truất năm 2013, sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề này. Theo nhiều nhà phân tích, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ông bị cách chức.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tại Hội nghị thượng đỉnh chung khẩn cấp Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, ngày 11/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bây giờ, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi phải giải quyết vấn đề và ông đã nói lên quan điểm của mình. Ông el-Sisi kêu gọi bảo vệ Bán đảo Sinai trước các kế hoạch biến bán đảo này thành nơi diễn ra các hoạt động quân sự. Ai Cập có lý do để cho rằng nếu một “Palestine mới” được thành lập ở Sinai, cuộc đối đầu giữa Hamas và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ chuyển sang khu vực đó, đặc biệt vì tình hình leo thang hiện nay đã làm giảm đáng kể cơ hội giải quyết hòa bình vấn đề Palestine.

Hiện tại, Israel đang cố gắng gây áp lực lên Ai Cập, như hạn chế lượng viện trợ nhân đạo được phép vào Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Về phần mình, Ai Cập đã từ chối tiếp nhận người tị nạn Palestine qua cửa khẩu biên giới duy nhất với Dỉa Gaza không nằm dưới sự kiểm soát của Israel này. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách ở Gaza.

Tuy vậy, Ai Cập cho biết sẵn sàng tiếp nhận những người Palestine bị thương và bệnh nặng. Nước này đã chính thức tuyên bố rằng họ sẽ điều trị cho 100.000 người tại các cơ sở y tế quốc gia. Với mục đích này, một bệnh viện dã chiến đã nhanh chóng được xây dựng ở thị trấn Sheikh Zuweid gần Rafah, nơi sẽ trở thành điểm trung chuyển cho những người bị thương trước khi họ được chuyển đến các trung tâm y tế thành phố.

Câu hỏi lớn là liệu cuối cùng Israel có cho phép tất cả những người này trở về nhà hay không. Xét đến các cuộc tấn công liên tục, số người bị thương được phép vào Ai Cập có thể sẽ tăng lên trong tương lai.

Chú thích ảnh
Người dân chuyển hàng viện trợ tại trại tị nạn Rafah, phía Nam Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, Cairo tập trung cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine. Theo chi nhánh tại Ai Cập của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, Ai Cập đã cung cấp lượng viện trợ nhân đạo lớn nhất - khoảng 9.000 tấn - cho người dân Gaza.

Ai Cập cũng đang thực hiện các bước cho phép người tị nạn Palestine định cư ở phía Bắc Bán đảo Sinai. Ở el-Arish, hai tòa nhà nhiều tầng đã được dành riêng cho mục đích này, có thể chứa 300 người. Hơn nữa, Ai Cập đã quyết định cho phép những người Ai Cập trước đây phải di dời trong cuộc chiến với các nhóm thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở đây được quay trở lại khu vực.

Trong những năm gần đây, Ai Cập tuyên bố rằng những vùng lãnh thổ này đã hoàn toàn sạch bóng các tay súng và khủng bố mà nước này đã truy quét kể từ năm 2015. Sau các cuộc biểu tình của người dân phải sơ tán ngày 31/10, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã đến el-Arish để thị sát, đi cùng với doanh nhân nổi tiếng Ibrahim al-Arjani. Cả hai đều đến thăm Sinai để thông báo về các dự án xây dựng sắp tới và rất có thể là để trấn an người dân trước những biến cố sắp xảy ra.

Một sự kiện đáng chú ý khác đã diễn ra trong tháng vừa qua. Vào ngày 20/10, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố đã mang tới cho Tổng thống el-Sisi cơ hội đưa ra quyết định liên quan đến các sự kiện ở Palestine.

Trong vòng vài ngày, tất cả các phương tiện truyền thông và báo chí chính thức của Ai Cập đã đăng tài liệu ủy thác mà người dân ở tất cả các thành phố định trao cho Tổng thống thông qua tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ để ủng hộ ông. Tài liệu ủy thác có những điểm phản ánh quan điểm chính thức của giới chức Ai Cập: “Tôi, một công dân Ai Cập, ủy quyền cho Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi: bảo vệ đất Ai Cập khỏi nguy hiểm và chiến tranh với Israel và hoàn tất tiến trình hòa bình đã bị đình trệ trong nhiều thập kỷ; bảo vệ Sinai khỏi kế hoạch biến nơi này thành nơi diễn ra các hoạt động quân sự và chiến đấu; bảo vệ người Palestine, những người phải ở lại trên đất của họ, không có nhà nước nào mà không có người dân; bảo vệ sự nghiệp của người Palestine, có thể không còn tồn tại nếu người Palestine tái định cư ở Ai Cập và Jordan".

Trong cuộc họp khẩn cấp ngày 19/10, Quốc hội Ai Cập cũng trao quyền cho Tổng thống el-Sisi thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và phản đối kế hoạch của Israel về đưa người Palestine từ Gaza đến Bán đảo Sinai.

Các thành viên Hạ viện đã trao cho ông el-Sisi - người đồng thời là Tư lệnh tối cao Lực lượng vũ trang - quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào mà ông cho là cần thiết để đảm bảo an ninh cho biên giới phía Đông và bảo vệ đất đai của Ai Cập.

Trong khi đó, bất chấp những tuyên bố chính thức, nhiều nhà hoạt động chính trị Ai Cập coi những sự kiện này là một cách nhằm đánh lừa người dân và lách Điều 151 của Hiến pháp Ai Cập. Điều này quy định Ai Cập phải tổ chức trưng cầu dân ý về mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.

Trong những ngày gần đây, một số thông tin đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Israel, nói rằng Israel sẽ xóa một phần lớn nợ nước ngoài của Ai Cập nếu nước này đồng ý thành lập các khu định cư của người Palestine ở Bán đảo Sinai. Tuy nhiên, Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi kiên quyết bác bỏ ý kiến này. Vào ngày 17/10, ông tuyên bố rằng việc di dời dân Gaza đến Sinai sẽ tương đương với việc tuyên chiến với Ai Cập. Ông đề xuất một giải pháp thay thế là di dời dân thường đến Sa mạc Negev cho đến khi xung đột kết thúc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi (giữa), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái) và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (phải) tại cuộc gặp ở Cairo, Ai Cập ngày 24/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc thực hiện “Thỏa thuận thế kỷ” gây ra mối đe dọa gì cho Ai Cập? Thứ nhất, tái định cư ồ ạt người Palestine có thể khiến cuộc đối đầu giữa Hamas và Israel chuyển sang lãnh thổ Ai Cập, kéo Ai Cập vào cuộc chiến.

Thứ hai, kịch bản này đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ai Cập, đặc biệt kể từ năm 1977, Bán đảo Sinai được trả lại cho Ai Cập như một điều kiện để đạt được hòa bình với Israel. Hơn nữa, tình trạng của các khu định cư có thể được xây cho người Palestine ở Ai Cập vẫn chưa rõ ràng.

Ai Cập sợ bị lôi kéo vào cuộc chiến. Truyền thông Israel cho rằng quân đội Israel có thể mở một mặt trận mới với Ai Cập với lý do Ai Cập hỗ trợ Hamas. Vài ngày trước, theo tạp chí Israel Defense do Lực lượng Vũ trang Israel xuất bản, Israel cần cảnh báo Ai Cập và nếu cần thiết sẽ tiến hành chiến tranh với nước này vì nước này đã vi phạm thỏa thuận hòa bình năm 1979 khi triển khai cơ sở hạ tầng quân sự đáng kể trên lãnh thổ Bán đảo Sinai, gần biên giới Israel.

Hiện nay, Ai Cập duy trì tính trung lập tương đối và tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Palestine - Israel như đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua. Chính sách của Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi là tập trung vào bảo vệ lợi ích quốc gia, tránh tham gia trực tiếp vào các hoạt động thù địch và bảo vệ biên giới Ai Cập ở mức tối đa.

Xem lại kỳ 1 tại đây.

Thùy Dương/Báo Tin tức (RT)
Lật lại kế hoạch đưa người Palestine tới định cư tại bán đảo Sinai ở Ai Cập - Kỳ 1
Lật lại kế hoạch đưa người Palestine tới định cư tại bán đảo Sinai ở Ai Cập - Kỳ 1

Bất chấp sự phản đối của Ai Cập, nhiều cuộc thảo luận mới đã bắt đầu đề cập tới một kế hoạch cũ là di dời người Palestine đến sống ở bán đảo Sinai, Ai Cập. Giờ đây, có vẻ như Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi sẽ phải giải quyết vấn đề này một lần nữa và tìm ra giải pháp tối ưu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN