Phi công Mỹ tiết lộ lý do F-35 bất bại trước Nga và Trung Quốc

Một Thiếu tá về hưu Mỹ từng là phi công lái máy bay F-35 đã tiết lộ lý do các phi công lái chiến đấu cơ này không phải lo ngại về hệ thống chống tàng hình của Nga hay Trung Quốc.

Kể từ khi Mỹ sử dụng các tiêm kích F-117 năm 1991 để ném bom tại thủ đô Baghdad của Iraq, là một trong những thành phố được phòng vệ chắc chắn nhất thế giới tại thời điểm đó, Liên Xô (cũ) và những đối thủ tiềm tàng của Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu cách để đánh chặn máy bay tàng hình.

Sau đó, trên lãnh thổ Serbia, một chiếc F-117 đã bị bắn hạ, vĩnh viễn trở thành “vết nhơ” về một chiếc máy bay được gọi là tàng hình từng nhiều thập kỷ xếp hạng đầu trong chương trình nghị sự của Không quân Mỹ.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Mỹ.

Ngày nay, Nga và Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống tần số rất cao (VHF) ấn tượng cùng với các radar tổng hợp có thể phát hiện được ngay cả các máy bay tàng hình hiện đại nhất của Mỹ như F-22 và F-35 trong một số trường hợp.

Trong khi nhiều nước vội vã tuyên bố công nghệ tàng hình là thất bại và đắt đỏ, Thiếu tá Thủy quân lục chiến về hưu Dan Flatley đã chia sẻ với báo Business Insider về lý do các phi công lái chiến đấu cơ đắt nhất của Mỹ không phải lo ngại về hệ thống chống tàng hình của Nga hay Trung Quốc.

“Các đối thủ phải xây dựng một hệ thống phòng thủ gồm các bước tìm kiếm, phân tích, đánh giá mục tiêu và tấn công khi phát hiện thấy dấu hiệu phóng tên lửa”, ông Flatley với kinh nghiệm từng là phi công F-35 lý giải, “vì  một radar có thể tìm thấy một vật thể - và radar VHF Nga có thể phát hiện F-35 - không có nghĩa nó là có thể theo dõi, nhắm mục tiêu và hoàn tất việc tiêu diệt bằng một quả tên lửa”.

Bởi lẽ, trong khi một hệ thống theo dõi và tìm kiếm hồng ngoại có thể phát hiện tiêm kích F-35 và cung cấp vị trí cho phi công đối phương thì nó cũng không thể theo dấu hoặc dùng tên lửa tấn công. Điều này có nghĩa các hệ thống mà Nga và Trung Quốc đổ hàng triệu USD phát triển chỉ thu được hình ảnh mờ nhạt, bé tẹo của F-35 Mỹ trên màn hình radar. 

Theo ông Flatley, trong khi các máy bay chiến đấu khác phải chọn giữa tính gây sát thương và khả năng sống sót trong một nhiệm vụ thì F-35 có thể thực hiện 4, 16 hoặc thậm chí 32 chức năng cùng lúc, có nghĩa rằng trong lúc các mối đe dọa trên không và mặt đất tìm kiếm chiếc tiêm kích tàng hình thì nó có thể thả bom để phá hủy chúng. 

Máy bay F-35 của Mỹ cất cánh thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 15/12/2006. Một thập kỷ sau, vào 2/8/2016, Không quân Mỹ tuyên bố một phi đội F-35A sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công trên mặt đất và phòng không.

F-35 được thiết kế dành cho một phi công, dùng hệ thống một động cơ và nhiều rơ-le giúp máy bay tàng hình trong mọi điều kiện thời tiết.

Nó trở thành máy bay tiêu diệt tên lửa đất đối không đầu tiên của Mỹ nếu như thực hiện nhiệm vụ thành công. F-35 có khả năng không chiến tuyệt vời khi được trang bị vũ khí không đối không tầm xa và tầm ngắn.

Bên cạnh đó, theo nhà sản xuất Lockheed Martin, chiếc máy bay này linh hoạt, có bộ phận cảm ứng nhạy hơn và khả năng tổng hợp thông tin nhanh hơn so với chiếc chiến đấu cơ F-22 hiện tại.

Xuân Chi/Báo Tin Tức
Nga bung dù thả rơi xe tăng xuống mặt đất 'trong Thế chiến thứ 3'
Nga bung dù thả rơi xe tăng xuống mặt đất 'trong Thế chiến thứ 3'

Trong buổi tập đánh trận giả đối phó với một đội quân NATO "trong Chiến tranh Thế giới thứ 3", xe tăng chiến đấu đổ bộ BMD-4M của Nga đã được thả rơi từ máy bay vận tải Ilyushin Il-76 ở độ cao 800m để hỗ trợ mặt đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN