Mũ sắt của F-35 có thể làm gãy cổ phi công khi cất cánh

Chiếc mũ sắt có giá tới 400.000 USD (khoảng 9 tỉ đồng) được trang bị cho phi công của chiến đấu cơ này có thể thực sự khiến phi công bay mất đầu theo đúng nghĩa đen, thay vì bảo vệ họ.


Tiêm kích tấn công hỗn hợp F-35 của Mỹ.

Chương trình chế tạo máy bay F-35 Lightning II, chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ, lại bị phát hiện thêm một trục trặc nữa. Chiếc mũ sắt trang bị cho phi công, từng được quảng cáo là cung cấp khả năng nhìn xuyên thấu mọi hướng, có thể khiến phi công gãy cổ hoặc "mù" mắt.

Trong đoạn video dưới, những chiếc F-35C lần lượt cất cánh từ tàu sân bay trong một buổi huấn luyện. Có thể thấy viên phi công đội chiếc mũ cồng kềnh trong khoang lái hẹp, và khi máy bay cất cánh, anh đập đầu vào trần buồng lái khiến chiếc "lưỡi trai" của mũ bật tung ra. Theo hãng tin RT (Nga), trong những tình huống như vậy, chiếc mũ nặng tới 2 kg có thể khiến phi công gãy cổ, chưa kể chiếc "lưỡi trai" cũng có thể bịt mắt phi công mặc dù nó được thiết kế để hiển thị những thông tin quan trọng về chuyến bay.



Đây không phải là lần đầu tiên chiếc mũ tiền tỷ của F-35 dính tai tiếng và những rắc rối thực sự chỉ được phơi bày bởi chính viên phi công từng lái F-35 trong trận không chiến thử nghiệm "ê chề" trước F-16 từ năm 2015.

Viên phi công này chỉ trích chiếc mũ bay quá to so với buồng lái chật hẹp của F-35, khiến ông không thể ngoái ra sau hoặc ngước lên. Theo ông, việc tăng cường khả năng quan sát cho phi công bằng cách tích hợp 6 chiếc camera quanh thân máy bay vào chiếc mũ đã không thực sự hiệu quả như nhà sản xuất BAE Systems từng công bố.

Chiếc F-35 (bay phía xa) và F-16 (phía trước) cùng nhau ra nơi diễn ra cuộc không kích giả định. Kết quả F-35 thua "bà già" F-16 được sản xuất từ năm 1974.

Viên phi công cũng cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến chiếc siêu tiêm kích F-35 thế hệ 5 đã thua đau trước "bà già" F-16 có tuổi đời 40 năm trong trận không chiến giả định trên.

BAE Systems (nhà thầu sản xuất mũ phi công F-35 cho Lockheed Martin) từng tuyên bố chiếc mũ có giá gần nửa triệu USD này cho phép phi công "nhìn xuyên máy bay" đồng thời xóa bỏ mọi điểm mù.

Tính năng lợi hại này có được là nhờ chiếc mũ hiển thị hình ảnh được cung cấp từ 6 camera gắn quanh máy bay. Phi công nhờ thế có thể nhìn xuyên sàn máy bay xuống dưới mặt đất, hay nhìn thấu khoảng không phía sau lưng.

Khi phi công xoay đầu nhìn sang một hướng nhất định thì trên thực tế họ cũng đang nhìn qua một chiếc camera tương ứng. Camera sẽ gửi hình ảnh tới các máy chiếu bên trong mũ, sau đó các máy chiếu sẽ hiển thị hình ảnh của thế giới thực bên ngoài tới tấm kính trên mũ.

Mũ nhìn xuyên thấu mọi hướng dành cho phi công F-35 bị cho là có thể gây ra sự cố với người lái máy bay.

F-35 vốn đã gánh rất nhiều tai tiếng về các vấn đề kỹ thuật, trong đó có các lỗi động cơ, lỗi phần mềm. Chương trình F-35 JSF cũng bị chỉ trích kịch liệt vì chi phí quá tốn kém.

Đây được coi là hợp đồng "béo bở" của Lockheed Martin, chiếm tới 20% trong tổng thu nhập 46 tỷ USD năm 2016 của hãng. Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Tổng thống Trump bởi chi phí quá tốn kém, lên tới 382 tỷ USD cho tổng cộng 2.443 chiếc. Theo tính toán của các chuyên gia, sau khi đi vào hoạt động, tổng chi phí bảo trì và các chi phí khác liên quan cho phi đội F-35 tới năm 2070 sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.

Trước áp lực từ tân Tổng thống Donald Trump, mới đây hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin đã đồng ý giảm giá chế tạo loại chiến đấu cơ này.

Phan Long
Báo cáo mật lộ hàng trăm điểm yếu 'chết người' của F-35
Báo cáo mật lộ hàng trăm điểm yếu 'chết người' của F-35

Theo bản báo cáo mới nhất của chuyên gia đánh giá cấp cao Lầu Năm Góc, chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ đang gặp hàng trăm trục trặc và không đủ năng lực chiến đấu trước năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN