Bài học của Israel-Hamas từ những lần ngừng bắn dẫn đến hòa bình trên thế giới

Với việc Israel và phong trào Hamas đồng ý tạm dừng giao tranh trong bốn ngày, hai bên có thể nhìn nhận lại các lệnh ngừng bắn từ những cuộc chiến khác để xác định mục tiêu thực sự của họ là gì.

Chú thích ảnh
Một người tham gia tuần hành ở thủ đô Tel Aviv của Israel, kêu gọi chính phủ thiết lập thỏa thuận trao đổi con tin với Hamas. Ảnh: Reuters

Sau 6 tuần giao tranh, Israel và Hamas đã đồng ý đình chiến tạm thời, tạm dừng giao tranh trong bốn ngày và thực hiện thỏa thuận  trao đổi tù nhân và con tin. 

Kể từ ngày 7/10, khi Hamas tiến hành vụ tấn công xuyên biên giới Israel khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, dải đất Gaza chật hẹp đã trở thành mục tiêu oanh tạc từ trên không và trên bộ khiến hơn 14.000 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Hôm 22/11, chính phủ Israel đã đồng ý tạm dừng giao tranh và có thể bắt đầu trao đổi con tin từ ngày 24/11. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng lệnh ngừng bắn chỉ là tạm thời và cuộc chiến sẽ tiếp tục sau khi hết thời hạn. Tuy nhiên, trong thế kỷ qua có rất nhiều ví dụ về các thỏa thuận ngừng bắn đã góp phần chấm dứt chiến tranh, cũng như nhiều ví dụ khác lại không may mắn như vậy. 

Dưới đây là những thỏa thuận ngừng bắn từ các cuộc xung đột trước đây, chúng ta đã học được gì từ chúng và liệu việc tạm dừng giữa Israel và Hamas có thể dẫn đến hòa bình lâu dài hay không.

Những nỗ lực ngừng bắn dẫn đến hòa bình

Ông Madhav Joshi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Kroc thuộc Đại học Notre Dame, đánh giá rằng những bước tiến nhỏ về lòng tin và thiện chí của cả hai bên cũng cho phép ngừng bắn phát triển thành hòa bình lâu dài.

Ông nói: “Với một thỏa thuận được đàm phán giữa các đối thủ… nơi các cải cách được theo đuổi trên nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau, hòa bình thực sự có thể sẽ đạt được”.

Thỏa thuận Ethiopia – TPLF (2022): Hai năm giao tranh giữa chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) ở phía Bắc, cùng những nỗ lực ngừng bắn thất bại, dẫn đến cái chết của ít nhất 100.000 người vào cuối năm 2022.

Nhưng vào ngày 2/11/2022, hai bên đã ký Thỏa thuận Pretoria, theo đó tạm dừng giao tranh giữa lực lượng chính phủ Ethiopia và TPLF.

Nhà nghiên cứu Joshi nói với Al Jazeera rằng Thỏa thuận Pretoria là một ví dụ tuyệt vời về việc tạm dừng chiến đấu có thể dẫn đến hòa bình như thế nào.

Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Ethiopia vượt xa những gì Israel và Hamas đã thống nhất. Thỏa thuận của họ không có văn bản chính thức, không có cơ chế giám sát và không bao gồm trách nhiệm của cả hai bên trong việc giải quyết các nguyên nhân sâu xa hơn đằng sau xung đột.

Ngược lại, ở Ethiopia, cả hai bên đã đồng ý chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch của cả hai bên, cùng với việc giải giáp TPLF và tái hòa nhập người dân Tigray.

“Trong khi tiến trình hòa bình lớn hơn gặp nhiều trở ngại, thỏa thuận ở Ethiopia bao gồm cơ chế xác minh, khuôn khổ và cam kết nhằm giải quyết những khác biệt chính trị cơ bản và các vấn đề phát sinh từ cuộc xung đột. Và trong trường hợp này, đó là tất cả những gì cần thiết để tìm ra con đường hướng tới hòa bình”, ông nói.

Một năm sau thỏa thuận ở Ethiopia, hòa bình nhìn chung vẫn được giữ vững, mặc dù phần lớn Tigray vẫn bị tàn phá.

Hiệp định đình chiến Triều Tiên (1953): Về mặt kỹ thuật, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chưa bao giờ ký thỏa thuận hòa bình sau cuộc chiến kéo dài ba năm đẫm máu.

Tại thời điểm đó, Hàn Quốc được Mỹ hậu thuẫn, còn Triều Tiên được Trung Quốc và Liên Xô hậu thuẫn. Ước tính 2 triệu người đã thiệt mạng vì xung đột liên Triều. 

Sau đó, vào tháng 7/1953, giao tranh tạm dừng theo thỏa thuận đình chiến do Mỹ, Liên hợp quốc và Triều Tiên đàm phán. Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Syngman Rhee đã từ chối ký thỏa thuận. Ông nhấn mạnh rằng chính phủ của ông được phép kiểm soát toàn bộ Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, các bên liên quan khác đã đồng ý “chấm dứt hoàn toàn các hoạt động thù địch và mọi hành động của lực lượng vũ trang cho đến khi đạt được giải pháp hòa bình cuối cùng”.

Họ lập một khu phi quân sự dài 250km và rộng khoảng 4km giữa biên giới hai nước. Kể từ đó, bất chấp căng thẳng thường xuyên, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tránh được xung đột quân sự lớn.

Chiến tranh vùng Vịnh (1991): Sau khi 100.000 quân Iraq tràn sang Kuwait ngày 2/8/1990, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đáp trả bằng lệnh cấm vận thương mại và trừng phạt đối với Iraq.

Đến tháng 1/1991, Mỹ dẫn đầu một cuộc chiến trên không và trên bộ đánh bật binh sĩ Iraq lui khỏi Kuwait vào tháng 2/1991. Tổng thống Mỹ George Bush khi đó đã tuyên bố ngừng bắn. Theo các điều khoản, Tổng thống Iraq Saddam Hussein không bị buộc phải từ bỏ quyền lực nhưng phải trả lại đất đai và tài sản cho Kuwait và công nhận chủ quyền của nước này. Iraq cũng được lệnh loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học.

Thỏa thuận này - không giống như những gì Israel và Hamas đã đồng ý - đã chấm dứt cuộc chiến giữa Iraq và Kuwait, nhưng đánh dấu sự khởi đầu cho sự sụp đổ của ông Hussein chỉ hơn một thập kỷ sau đó vào năm 2003.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau các cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 22/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Những nỗ lực ngừng bắn không dẫn đến hòa bình

Nội chiến Sudan năm 2023: Vào tháng 4, nội chiến nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo SAF và là cấp phó cũ của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo của RSF, từng sát cánh cùng nhau khi phát động một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021 sau khi lật đổ Tổng thống lâu năm của đất nước Omar al-Bashir. Tuy nhiên, cả hai bên đều muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực và lãnh đạo đất nước.

Mỹ và Saudi Arabia đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai lực lượng quân sự ở Sudan trong suốt năm qua. Nhưng nhiều thỏa thuận ngừng bắn nhằm ngăn chặn giao tranh đã thất bại và thay vào đó, bạo lực đã leo thang trên khắp Sudan.

Trong trường hợp này, cả hai bên đã không kiềm chế việc tìm kiếm lợi ích quân sự trong thời gian ngừng bắn, như đã được nêu rõ trong các điều khoản của thỏa thuận. Và cuộc chiến này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Nội chiến Syria năm 2011: Sau khi các nhà hoạt động dân chủ Syria dẫn đầu các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2011, chính quyền Syria đã đáp trả. Syria rơi vào chiến tranh.

Kể từ đó, ít nhất 230.224 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và 140 nỗ lực ngừng bắn đã thất bại. Các lệnh ngừng bắn do quốc tế làm trung gian được đề xuất, với sự tham gia của Liên hợp quốc, Mỹ và Nga, cũng như các nỗ lực ngừng bắn không chính thức ở địa phương, chỉ nhằm mục đích chấm dứt tạm thời các hành động thù địch để cứu trợ nhân đạo hoặc để các nhóm tái vũ trang.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) cho thấy trong năm 2016 đã có tổng cộng 43 lệnh ngừng bắn, nhưng sau mỗi nỗ lực thất bại, bạo lực lại leo thang. Trong những năm kể từ đó, các thỏa thuận ngừng bắn cũng như giao tranh giảm dần. Năm 2020, chỉ có ba lệnh ngừng bắn được tuyên bố.

Ông Faysal Itani, cựu thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương và hiện là Giám đốc của Viện Chiến lược và Chính sách New Lines, đã giải thích vào năm 2018 rằng nguyên nhân chính dẫn đến các nỗ lực ngừng bắn thất bại là do quan điểm của chính quyền về cuộc chiến.

Lệnh đình chiến sáu ngày (1967): Israel, vốn chiếm đóng các phần lãnh thổ Gaza và Bờ Tây của Palestine theo quy định của Liên hợp quốc năm 1948, đã chiếm được nhiều hơn nữa - gồm như Sinai từ Ai Cập và Cao nguyên Golan từ Syria - trong cuộc đình chiến cuộc chiến chỉ kéo dài sáu ngày.

Lệnh ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban đầu bị cả Ai Cập và Syria bác bỏ, nhưng với việc lực lượng Israel nhanh chóng mở rộng lực lượng vào vùng đất của họ, hai nước này đã chấp nhận. Và đến ngày xung đột thứ sáu, tất cả các bên đã chấp nhận đình chiến.

Lệnh ngừng bắn này kéo dài sáu năm và một số người tin rằng đó là một thành công. Nhưng cuối cùng nó đã tan rã sau khi một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các quốc gia Arab láng giềng không đạt được thỏa thuận về an ninh của Israel, cũng như chấm dứt việc chiếm đóng các vùng đất của người Palestine.

Liệu thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas có dẫn đến hòa bình lâu dài?

Nhà nghiên cứu Joshi tại Đại học Notre Dame cho biết thỏa thuận ngừng bắn hiện tại giữa Israel và Hamas chỉ giới hạn ở việc tạm dừng giao tranh và trao đổi tù nhân. Điều đó có nghĩa là nó chắc chắn sẽ thất bại.

Nếu các chính sách còn mơ hồ hoặc không được đề cập rõ trong các hiệp định hòa bình, như trường hợp của các vòng đàm phán Israel-Palestine trước đây, điển hình từ Hiệp định Oslo trở đi, thì sẽ luôn cần có các vòng đàm phán bổ sung để tăng cường thỏa thuận đó.

Ông nói thêm: “Vì thỏa thuận giữa Hamas và Israel có thể không bao gồm các cuộc đàm phán tiếp theo cũng như các thành phần giám sát và xác minh, nên nó không có khả năng ngăn chặn bạo lực ngoài thời hạn bốn ngày được đề xuất. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thỏa thuận thất bại hoàn toàn”.

Những thỏa thuận ngừng bắn có hiệu quả là kết quả từ các vòng cuối cùng của nhiều lệnh ngừng bắn thất bại trước đó, hoặc từ lệnh ngừng bắn nắm vai trò là một phần của tiến trình hòa bình lớn hơn. Việc đưa vào điều khoản xác minh và giám sát cũng có thể dẫn đến các thỏa thuận hòa bình thành công.

Ông Joshi tin rằng thỏa thuận ngừng bắn chắc chắn sẽ gặp trục trặc khi một hoặc cả hai bên vẫn quyết tâm đánh bại bên kia về mặt quân sự vào thời điểm thỏa thuận ngừng bắn. Có rất nhiều ví dụ về các lệnh ngừng bắn thất bại như vậy từ Myanmar, Congo, Sudan…

Cùng với người đồng nghiệp Michael J Quinn, ông Joshi đã nghiên cứu 196 lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình từ năm 1975 – 2011. Ông nhận thấy rằng hơn 85% trong số đó đều thất bại, đồng nghĩa với việc nối lại xung đột. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Điều gì đằng sau sự kiềm chế ngạc nhiên của Iran về xung đột Israel - Hamas?
Điều gì đằng sau sự kiềm chế ngạc nhiên của Iran về xung đột Israel - Hamas?

Cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" của Mỹ và đồng mình có thể đang có tác dụng đẩy Iran đi theo hướng thực dụng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN