Mới đây, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) thì nhiều người mới biết một sự thật đáng giật mình: Vốn đầu tư cho công trình này đã bị đội giá hơn 5.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với mức được phê duyệt. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông từng gây bức xúc trong dư luận khi công trình bị đội giá đến 339 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng), tăng 62% so với giá phê duyệt ban đầu.
Chưa hết, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi khởi công và ký hợp đồng BOT chỉ khoảng 24.500 tỷ đồng, nhưng sau một thời gian xây dựng, nhà đầu tư tuyên bố "sốc" cần hơn gấp đôi, tức khoảng 50.000 tỷ đồng mới làm xong.
Dẫn ra một vài công trình, dự án để thấy rằng, tình trạng đội giá trong xây dựng cơ bản (trong đó có các công trình giao thông) không còn là cá biệt, mà xảy ra như “chuyện thường ngày”. Nó xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội và đang trở thành hội chứng cực kỳ nguy hiểm. Đội giá, vượt giá ngoài một số trường hợp có lý do chính đáng, không những gây thiệt hại cho nền kinh tế, mà còn làm giảm hiệu quả đầu tư, gây hệ lụy xấu cho cả hệ thống cơ chế, chính sách; làm xói mòn lòng tin của người dân. Rất nhiều bộ, ngành liên quan đã phải chạy theo vòng xoáy đội giá, vượt giá để sửa đổi, bổ sung, trình duyệt kèm theo hàng loạt cơ chế, chính sách điều chỉnh vốn cho các dự án.
Hai năm gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giao thông Vận tải đã tiến hành rà soát, thẩm tra một số công trình cầu, đường mà chủ dự án đề nghị được điều chỉnh vốn. Kết quả cho thấy, rất nhiều công trình, dự án không những không cần phải bổ sung, mà còn tiết giảm được lượng vốn đáng kể. Cụ thể, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành giảm gần 8.500 tỷ đồng; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 3.300 tỷ đồng; tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi giảm 3.000 tỷ đồng; nút giao Ngã ba Huế giảm 1.000 tỷ đồng; kênh Chợ Gạo giảm gần 1.960 tỷ đồng... Đến nay, ngành Giao thông Vận tải đã tiết giảm được gần 40.000 tỷ đồng, trong đó riêng khâu thiết kế giảm hơn 11.000 tỷ đồng.
Thử đặt câu hỏi: Nếu không có chỉ đạo của Thủ tướng và sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải, thì ngân sách nhà nước liệu có bị “rút ruột” thêm gần 40.000 tỷ đồng? Với số tiền tiết giảm được, có thể đầu tư xây dựng cả nghìn cây cầu dân sinh để giúp những đứa trẻ ở địa bàn khó khăn không còn phải rơi vào cảnh chui vào túi ni lông vượt lũ đến trường!
Có một điểm chung ở các công trình, dự án bị đội giá thường được vin vào cái cớ do chậm bàn giao giải phóng mặt bằng. Điều đó đúng và không cần phải bàn cãi. Nhưng còn căn nguyên quan trọng hơn, đó là các đơn vị, cá nhân liên quan lợi dụng kẽ hở trong đấu thầu các công trình, dự án hòng trục lợi. Mới đây, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về việc vì sao vốn đầu tư cho đường cao tốc ở Việt Nam lại đắt gấp 3 lần so với đường cao tốc ở Mỹ, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải thừa nhận rằng: Có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tìm cách trúng thầu bằng mọi giá, sau đó cố tình kéo dài thời gian, rồi vin vào trượt giá để xin tăng vốn. Trong con mắt của dư luận, tình trạng lãng phí trong đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam không chỉ có ở dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, mà còn hàng loạt các dự án khác như cao tốc Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành...
Cũng thật dễ hiểu trước sự bức xúc và nỗi day dứt của dư luận! Bởi phòng, chống nạn tham nhũng, thất thoát, lãng phí là chủ trương và quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời cũng là sự mong muốn và kỳ vọng của người dân vào một môi trường đầu tư công khai, minh bạch. Do vậy, đã đến lúc cần phải mạnh tay với các công trình, dự án đội vốn và việc làm này không chỉ dừng ở các công trình, dự án giao thông.
Yến Nhi