'Truân chuyên' nông sản - Bài 1: Bị đội giá qua nhiều tầng nấc

Có một thực tế, hàng nông sản phục vụ cuộc sống thường ngày của đại bộ phận người dân như: gạo, rau, quả, thịt gia súc, khi đến tay người tiêu dùng thường bị đẩy giá lên cao một cách bất hợp lý so với giá gốc mà người nông dân bán ra. Nghịch lý này vẫn đang tồn tại do những bất cập trong lưu thông phân phối hàng hóa, do thiếu mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, phân phối và tiêu dùng…

 
Để đến tay người dân, hàng nông sản đang phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian là lí do khiến cho giá cả bị đẩy lên cao.

 

Nông dân thua thiệt, trung gian hưởng lợi


Chị Nguyễn Thị Minh ở xã Ninh Sơn, TX Tây Ninh (Tây Ninh) cho biết: Do thiếu vắng doanh nghiệp (DN) đầu mối, và thậm chí DN đầu mối trực tiếp thu mua vẫn phải qua các cấp trung gian là nguyên nhân chính đẩy giá nông sản tăng cao bất hợp lý khi đến tay người tiêu dùng. Đơn cử, theo chị Minh, hiện giá lợn giống được người chăn nuôi mua vào khoảng 45.000 đồng/kg cho loại 20 kg/con, sau 3,5 - 4 tháng xuất chuồng sẽ phải tốn thêm khoảng 3,2 triệu đồng tiền thức ăn gia súc cho 1 tạ lợn hơi. Với giá thu mua hiện nay chỉ dao động từ 3,5 - 3,7 triệu đồng/100 kg (thấp hơn 1,5 - 2 triệu đồng/100 kg so với thời điểm đầu năm 2012), sau khi trừ chi phí người chăn nuôi cầm chắc lỗ gần 1 triệu đồng/100 kg.


 

Nhà nông vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thương lái khi tiêu thụ sản phẩm.

 

Sau khi thu mua với giá rẻ mạt từ người chăn nuôi, lợn hơi được tư thương bán lại cho thương lái quy mô lớn tập trung chuyển đến những điểm giết mổ tại TP Hồ Chí Minh với giá tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg. Trên đường đến tay người tiêu dùng, giá hàng hóa lại tiếp tục đội thêm vì phải trải qua rất nhiều công đoạn: Thương lái tiếp tục bán cho lò mổ; các lò mổ sau khi hoàn tất các công đoạn giết mổ bán lại cho chợ đầu mối; từ đó thịt lợn mới đến tiểu thương bán lẻ hoặc siêu thị. Qua các khâu trung gian như vậy, giá thịt lợn đã bị đẩy tăng thêm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. “Như vậy, so với giá bán ra của người nông dân chỉ khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg, khi đến tay người tiêu dùng giá thịt lợn đã tăng lên từ 2 - 3 lần, tùy theo loại thịt”, chị Minh than.


Con đường đến tay người tiêu dùng của gà công nghiệp cũng gian nan không kém. Khảo sát của phóng viên cho thấy, chỉ tính gần 2 tháng qua, tại các tỉnh trọng điểm về chăn nuôi gà công nghiệp như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…, giá gà đã có 4 lần giảm với tổng mức giảm lên đến 12.000 đồng/kg. Hiện, giá gà bán tại trại từ 19.000 - 24.000 đồng/kg và theo phân tích của những người trong cuộc, với giá thành khoảng hơn 30.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi đang bị lỗ nặng. Tuy nhiên, qua nhiều cấp trung gian, giá gà thịt nguyên con đến tay người tiêu dùng tại các siêu thị vẫn bán từ 50.000 - 54.000 đồng/kg; thịt gà pha lóc như đùi 77.000 đồng/kg, cánh 94.000 đồng/kg…, đắt gần gấp đôi so với giá bán ra của người chăn nuôi.


Thương lái lộng hành


Năm nay, người nuôi tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại lao đao vì con giống bị chết hàng loạt. Do nuôi không theo quy hoạch, thời vụ, không nắm vững kỹ thuật, khi tôm bệnh giảm năng suất nhiều hộ đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhưng ngay cả khi trúng mùa thì lợi nhuận nông dân thu được cũng không đáng kể vì bị thương lái ép giá mua rẻ. Theo khảo sát của ngành chức năng, các thương lái quy mô nhỏ làm đại lý thu mua tôm sú rồi bán cho nhà máy dễ dàng thu lời hàng triệu đồng/tấn mà lại không phải đau đầu lo chăn nuôi, dịch bệnh, tiêu thụ… như nhà nông.


Hiện tại, giá cá tra, tôm sú… tại ao thương lái thu mua rất rẻ nhưng đến tay người tiêu dùng giá đã đắt hơn 2 lần. Cụ thể, tại Đồng Tháp nơi tập trung phần lớn vùng nuôi và nhà máy chế biến xuất khẩu, giá cá tra đang tiếp tục giảm giá, chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi giá bán tại những điểm chợ truyền thống, siêu thị giá đã đội lên 40.000 - 45.000 đồng/kg. Riêng tôm sú chỉ có giá bán ra khoảng 120.000 đồng/kg (loại 30 con/kg); loại 40 con/kg chỉ còn khoảng 110.000 đồng/kg, nhưng khi đến tay người tiêu dùng cũng đã đội thêm 80.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại và thời điểm.


Tương tự, tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… thời điểm đầu tháng 7/2012, giá gạo nguyên liệu loại 1 giảm chỉ còn 6.850 đồng/kg, loại 2 giảm thêm 200 đồng còn 6.600 đồng/kg… nhưng các bà nội trợ vẫn đang “bấm bụng” mua với giá trên trời, cao hơn 2 lần so với giá bán ra của nhà nông.


Cùng với nhiều mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao khác, các tỉnh khu vực Nam bộ cung cấp lượng lớn những loại trái cây đặc sản như: xoài, bưởi, sầu riêng, măng cụt… cho thị trường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản cho cả vùng vẫn phụ thuộc vào các thương lái. Hiện, kể cả các DN chế biến và tiêu thụ trái cây vẫn “khoán trắng” việc thu mua cho thương lái và với quyền hành quyết định “vận mệnh” đầu ra trong tay, các thương lái dễ dàng ép nông dân từ giá đến chất lượng theo ý chủ quan mình.


Theo các chuyên gia kinh tế, mức giá thu mua nông sản bao nhiêu là do thương lái đưa ra, dựa vào cung-cầu và không theo quy định nào. Và như vậy, mặc dù là người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa nhưng người nông dân không thể quyết định giá bán sản phẩm của mình mà luôn bị lệ thuộc vào thương lái, trung gian… Chính sự lòng vòng này đang đẩy giá những mặt hàng nông sản đến tay người tiêu dùng cao bất hợp lý.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Bài 2: Hoàn thiện chuỗi cung ứng - việc cần làm ngay

Hà Nội chủ động nguồn hàng nông sản cuối năm
Hà Nội chủ động nguồn hàng nông sản cuối năm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, từ đầu tháng 9 đến nay, sau nhiều tháng “dè dặt”, nông dân là chủ các trang trại chăn nuôi ở ngoại thành Hà Nội đã tái đàn, khôi phục chăn nuôi trở lại, chủ động nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN