Hiểm họa bủa vây cổng trường

Bước ra khỏi cánh cổng trường, học sinh phải đối mặt với hàng loạt hiểm họa rình rập.

Vụ “kẹo lạ” gây lo lắng cho phụ huynh cả nước gần đây là một trong những hiểm họa mới nhất.

Ngày 29/11, phòng y tế trường THCS Nguyễn Quý Đức (Hà Nội) tiếp nhận 11 học sinh bị đau đầu, buồn nôn khoảng 45 phút sau khi ăn cùng một loại kẹo lạ có bao bì in chữ nước ngoài được mua ở ngoài trường.

Chú thích ảnh
Một loại kẹo lạ in chữ nước ngoài. Ảnh: TTXVN phát

Tại Quảng Ninh, ngày 27/11, tình trạng tương tự xảy ra với 29 học sinh trường THCS-THPT Hoành Mô. Thủ phạm cũng là một loại kẹo mà các em mua ở gần cổng trường học.

Trước đó, ngày 27/4, 8 học sinh trường Tiểu học Tân Thành (Bình Phước) bị ngộ độc sau khi chia nhau ăn kẹo mua ở cổng trường.

Sáng 20/4, 16 học sinh lớp 2 trường Tiểu học Quế Hiệp (Quảng Nam) bị ngộ độc thực phẩm, nghi do ăn kem ống được bán trước cổng trường.

Và còn nhiều vụ việc tượng tự nữa ở nhiều tỉnh, thành khác, xảy ra liên tục từ năm này tới năm khác. Sau mỗi lần xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn đồ ngoài cổng trường, biện pháp trước mắt mà các cơ quan chức năng thực hiện sẽ là kiểm tra các hàng quán ven trường, tịch thu một loạt sản phẩm đồ ăn, thức uống xanh đỏ sặc sỡ, rẻ tiền, in hình bắt mắt, bao bì có những chữ nước ngoài mà không mấy ai hiểu; rồi nhắc nhở, xử phạt hoặc yêu cầu cam kết không bán hàng hóa không rõ nguồn gốc… Các sở giáo dục và nhà trường sẽ cảnh báo tới phụ huynh, giáo viên dặn dò học sinh trên lớp.

Các động thái xử lý vụ việc thường dừng tại đó, rồi vấn đề này lại rơi vào quên lãng như chưa bao giờ xảy ra, cho tới khi xảy ra vụ tiếp theo.

Ngoài vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm thấy rõ, những sản phẩm bánh kẹo lạ còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn nhiều nếu có chất ma túy. Trong thực tế, khả năng này không phải là chưa từng xảy ra. Đã có trường hợp học sinh ăn phải bánh kẹo tẩm cần sa, uống phải những thứ nước “lạ” có ma túy.

Điểm chung của các vụ ngộ độc thực phẩm kể trên đều là học sinh ăn đồ ăn thức uống quanh cổng trường, nhưng từ năm này qua năm khác, hàng loạt hàng quán, xe bán hàng rong vẫn đang bao vây trường học, chờ những “thượng đế” nhỏ tuổi ùa ra từ cánh cổng.

Nếu phía trong cánh cổng, học sinh đối mặt với nguy cơ từ bữa ăn bán trú, thì phía ngoài cánh cổng, các em lại rơi vào “ma trận” đồ ăn vặt đầy cám dỗ. Nhà trường, phụ huynh có thể kiểm soát bữa ăn bán trú, nhưng những thứ mà học sinh mua, hoặc được cho miễn phí bên ngoài trường thì nằm ngoài tầm kiểm soát.

Chú thích ảnh
Các loại thuốc lá điện tử trá hình. Ảnh: Tạ Nguyên

Rình rập học sinh ngoài cổng trường không chỉ có hiểm họa đồ ăn độc hại, mà còn có thuốc lá điện tử.

Hồi tháng 3, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) đã phát cảnh báo có nội dung: “Kẻ xấu tại Hà Nội dụ học sinh hút thuốc lá điện tử, rủ thêm người hút sẽ được tặng tiền”. Cảnh báo được đưa ra sau khi có 5 đối tượng nữ mang thuốc lá điện tử dụ học sinh tiểu học sử dụng ở công viên.

Một số phụ huynh cũng rất hoảng sợ khi phát hiện ra con mình có các món đồ trông giống hộp sữa, lego, thỏi son nhưng thực chất là thuốc lá điện tử trá hình. Nếu không để ý, giáo viên và phụ huynh sẽ không thể biết thứ con trẻ cầm trên tay là đồ chơi thật hay thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử có dán hình thần tượng hoặc có thiết kế bắt mắt, mùi hương hấp dẫn cũng xuất hiện ở các hàng tạp hóa, quán nước ven trường. Có thể nói, với học sinh, tiếp cận với những thứ đồ cám dỗ này chưa bao giờ đơn giản đến thế.

Một hiểm họa nữa bên ngoài cánh cổng trường cũng rất đáng báo động. Ngày 21 và 22/11 vừa qua, một nhóm thiếu niên lạ mặt khoảng 13 - 14 tuổi đến trước cổng trường Tiểu học Kim Đồng (Lâm Đồng) cho tiền học sinh và dụ dỗ “đi chơi” cùng. Có ít nhất 21 học sinh lớp 4 và lớp 5 được cho tổng số tiền gần 800.000 đồng.

Chưa rõ ý đồ của những người cho tiền học sinh, nhưng chắc chắn đó không phải là ý đồ tốt. Trường Kim Đồng và công an khu vực đã cảnh báo học sinh và phụ huynh về nguy cơ học sinh bị lừa đảo, bắt cóc, mua bán người, hiếp dâm…

Tại Nghệ An hồi tháng 3, xuất hiện các đối tượng lạ cho kẹo học sinh tại ba trường tiểu học và dụ dỗ đi theo. Tình trạng dụ dỗ học sinh với nhiều kịch bản lừa đảo tương tự cũng xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh.

Thật đáng báo động khi những hiểm họa rình chờ học sinh ngoài cổng trường ngày càng xuất hiện nhiều, dù là lén lút hay công khai ngay trước mắt người lớn. Một trong những biện pháp ít ỏi mà nhà trường và phụ huynh có thể làm để bảo vệ các em chỉ xoay xung quanh những lời dặn dò, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh báo, cấm đoán.

Tuy nhiên, bảo vệ bằng lời nói là chưa đủ, vì đôi khi với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là những em nhỏ tuổi, đó chỉ là những “lời nói gió bay”, rồi sẽ quên. Thậm chí, cả những động thái như kiểm tra các cơ sở kinh doanh, tịch thu đồ ăn không rõ nguồn gốc và thuốc lá điện cũng chỉ là biện pháp giải quyết phần “ngọn”.

Trong thực tế, các rủi ro mà học sinh gặp phải khi bước chân ra ngoài cổng trường, từ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc lá điện tử độc hại hay lừa đảo, cũng đều là những rủi ro mà cả người lớn, cả xã hội đang phải đối mặt. Trong số đó, có thể nói chưa có hiểm họa nào được xử lý một cách có hiệu quả, có hệ thống.

Nguyên nhân những hiểm họa này vẫn tồn tại dai dẳng là do nhiều yếu tố, từ pháp luật chưa đủ mạnh cho đến con người chưa đủ trách nhiệm. Trong lúc chờ những hiểm họa này được xử lý, phụ huynh vẫn luôn bất an và có lẽ chỉ biết tăng cường quản lý hoặc trông chờ vào ý thức của con em.

Thùy Dương
Chấn chỉnh kỷ luật công vụ
Chấn chỉnh kỷ luật công vụ

Vụ việc lãnh đạo sở ở Bắc Ninh đi chơi golf trong giờ hành chính được báo chí phản ánh mới đây là một bài học sâu sắc về kỷ luật công vụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN