Chuyện không thể xem thường

Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ ngày 24/2 về tình hình Tết Ất Mùi 2015, khi nghe báo cáo, trong 9 ngày nghỉ Tết, các bệnh viện trên toàn quốc đã tiếp nhận hơn 6.200 trường hợp nhập viện do đánh nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đây là vấn đề không thể xem thường đồng thời yêu cầu các địa phương phải có giải pháp tổng hợp để ngăn chặn.

Thoạt nghe con số nêu trên, chắc chắn sẽ không ít người ngạc nhiên, thậm chí còn đặt câu hỏi, phải chăng có sự nhầm lẫn? Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... là những địa phương có số người phải vào viện vì... đánh nhau cao nhất nước. Nguyên nhân dẫn tới các vụ đánh nhau là do va chạm giao thông khi đi chúc Tết, chơi xuân, sử dụng rượu bia quá đà; cũng có trường hợp đánh nhau do mâu thuẫn nợ nần từ những cuộc sát phạt đỏ đen... Người trực tiếp đánh nhau bị thương tích đã đành, có một số trường hợp do can ngăn hàng xóm, hay khách qua đường dừng lại xem đánh nhau, cũng bị vạ lây...

Không còn phải bàn cãi, đánh nhau trong ngày Tết là tai họa, cũng là báo động đỏ về tình trạng bạo lực leo thang trong xã hội hiện nay. Lẽ nào trong những ngày Tết cổ truyền vốn để mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp lại biến thành những cuộc xô xát, tệ hơn là dùng hung khí để đoạt mạng sống của nhau.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới hành động bạo lực đáng báo động nêu trên? Có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng nguyên nhân được nhiều người nhìn nhận, là do tác động của rượu, bia dẫn tới con người không thể kiểm soát được hành vi của mình. Cũng có trường hợp, vì say xỉn mà vác dao chém vợ con, “huynh đệ tương tàn”, châm lửa đốt nhà... Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là nước tiêu thụ rượu, bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; trong đó 1/4 trong số này sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại; 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại.

Khó mà liệt kê hết bi kịch của rượu bia trong cuộc sống thường ngày. Không rượu bia thì nhạt chuyện, thì mất hứng, không dốc được tâm sự, không phát tiết được những ý đẹp lời hay. Không ít người có tật, cứ uống rượu bia là mang đồng nghiệp, người cùng cơ quan ra để cạnh khóe; có khi còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay…

Trở lại câu chuyện hơn 6.000 trường hợp phải nhập viện dịp Tết Ất Mùi vừa qua, quả là nỗi đau day dứt bởi nó xảy ra vào quãng thời gian mà mỗi người dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất, tình người nhất.

Chắc chắn, những hành vi bạo lực sẽ bị pháp luật xử nghiêm, bởi nó làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội trong những ngày Tết. Nhưng đó cũng là điều mà mỗi người dân cho tới các cấp chính quyền, cơ quan công quyền, cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.   


Y.N


Bùng phát nạn 'đỏ đen' dịp Tết
Bùng phát nạn 'đỏ đen' dịp Tết

Ngay trong khuôn viên của Phủ Na, Thanh Hóa có những trò chơi "đỏ đen" trá hình như phi tiêu, bốc thăm trúng thưởng, bắn súng..., làm mất đi hình ảnh tôn nghiêm tại nơi thờ cúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN