Xây dựng hệ thống đánh giá hoàn chỉnh trong đào tạo ngoại ngữ

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tổ chức hội thảo định hướng chiến lược công tác khảo thí của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 giai đoạn 2013-2020.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tầm quan trọng của công tác khảo thí ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay thông tư ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đang được lấy ý kiến các đơn vị và sẽ sớm ban hành. Tuy nhiên, phương châm lớn nhất để công tác kiểm tra đánh giá thực sự có hiệu quả là các cơ sở đào tạo phải cộng đồng trách nhiệm, phải hợp sức với nhau. Như vậy, khi góp câu hỏi để hình thành ngân hàng câu hỏi mới có chất lượng.

Hội thảo "Định hướng chiến lược công tác khảo thí Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, giai đoạn 2013 - 2020". Ảnh: Minh Quyết/TTXVN


Trong năm 2011-2012, Đề án đã tổ chức rà soát trình độ giáo viên tiếng Anh bậc Tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông. Theo thống kê, số giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn lên tới 83%, có tới 87% giáo viên tiếng Anh bậc trung học cơ sở chưa đạt chuẩn, 91% giáo viên tiếng Anh trung học phổ thông chưa đạt chuẩn. Con số này ở bậc cao đẳng, đại học là 44,6% và giáo viên các ngành dạy bằng tiếng Anh ở cao đẳng, đại học chưa đạt chuẩn là 55,5%.

Hiện nay, vẫn còn những khó khăn như chưa tuyển dụng và lưu giữ được chuyên gia và cán bộ có chuyên môn cao cho ngân hàng câu hỏi thi. Chất lượng đề thi của 10 cơ sở còn khác nhau và chưa tương thích với chuẩn quốc tế. Chi phí cho thi rất cao, nhất là đối với những hội đồng thi xa 10 cơ sở khảo thí. Kết quả thi chưa khách quan, dễ xảy ra tiêu cực do chưa sử dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cũng chưa có giải pháp cho kiểm tra thường xuyên, định kỳ, cuối kỳ, cuối cấp… cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học, gây khó khăn cho nỗ lực đổi mới dạy và học.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng - chuyên gia cao cấp Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho biết: Đề án đề xuất 2 phương án gồm tổ chức trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia theo phương thức có ban giám đốc, giám đốc, tiếp theo là các phòng quản lý, tổ tiếp nhận yêu cầu thi và phân bổ đề thi, mạng các trung tâm khảo thí khu vực và mạng các giám khảo thanh tra khu vực. Phương án 2 là tổ chức thành các trung tâm như trung tâm nghiên cứu và đào tạo khảo thí, trung tâm thẩm định câu hỏi thi, trung tâm phát triển câu hỏi thi đặt tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và trung tâm điều hành thi đặt tại 5 trung tâm vùng. Sau đó là các trung tâm thi ở những nơi có đủ điều kiện.

Đại diện Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, thời gian trước mắt việc quan trọng là phải sớm khắc phục những hạn chế như việc hướng dẫn ra đề thi hiện nay chưa thống nhất, cách quy đổi điểm thô trong từng phần bài thi chưa rõ, chưa có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức rà soát, đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh.


Đại diện Đại học Cần Thơ cho rằng, cần phải có trung tâm khảo thí quốc gia về ngoại ngữ. Hiện nay chất lượng dạy ngoại ngữ của các trường chỉ mới được căn cứ trên uy tín từng trường. Cần có sự kiểm định thống nhất từ bậc học thấp lên đến bậc học cao. Như vậy công tác đào tạo mới có hệ thống và đảm bảo chất lượng.

Các đại biểu đã cùng thảo luận về phương án tổ chức cũng như công tác triển khai xây dựng ngân hàng tiểu mục đề thi và tập huấn giám khảo chấm nói, chấm viết cho giai đoạn sắp tới. Những ý kiến này sẽ nhằm xây dựng một hệ thống đánh giá hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong thời gian tới.


PV
Nan giải bài toán đào tạo cử tuyển
Nan giải bài toán đào tạo cử tuyển

Đào tạo học sinh hệ cử tuyển những năm qua đã góp phần đào tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và vùng núi. Tuy nhiên, đến nay, việc đào tạo cử tuyển vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN