Vận động học sinh 'hạ sơn' sau Tết

Sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường vùng cao lại vào chiến dịch vận động học sinh trở lại lớp học. Kỳ nghỉ Tết Ất Mùi năm nay cũng không ngoại lệ, các thầy cô lại phải tỏa đi khắp các thôn, bản để thuyết phục học sinh “hạ sơn” đến trường.

Tỷ lệ học sinh đến trường thấp


Trường Tiểu học Bán trú Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến ngày học thứ 2 rồi, nhưng sĩ số cũng mới chỉ đạt trên 50%, còn ngày đầu tiên (24/2) chỉ đạt trên 30%.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có số học sinh đông nhất huyện, với trên 800 em và có gần 20 điểm trường cách xa trung tâm. Sau Tết năm ngoái, học sinh đến trường đạt 100% chỉ sau 2 - 3 ngày đầu năm, nhưng năm nay học sinh đến trường lác đác. Nguyên nhân là do năm nay ngày đầu tiên đến trường lại vào thứ Ba, nên phụ huynh cho con nghỉ hết tuần, để tuần sau mới đến lớp. Bên cạnh đó, còn do các bản vẫn tổ chức nhiều trò vui chơi sau ngày Tết.

Học sinh huyện Mường Nhé nghỉ giải lao trên đường đến trường.


“Sáng nay, trên đường đi kiểm tra các điểm trường, tôi vẫn bắt gặp các bố thì chơi đánh cù, còn các mẹ thì ném pao. Tôi hỏi, sao không đưa con đến trường, thì được trả lời rằng: Hôm nay thứ Tư, giữa tuần rồi cho trẻ nghỉ luôn, tuần sau mới đi học”, thầy Khiêm chia sẻ.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, ngày đi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, đối với khu vực vùng thấp của huyện, học sinh đến trường đảm bảo nên các trường đã tổ chức hoạt động dạy học bình thường trở lại. Đối với một số trường ở các xã vùng cao, việc huy động học sinh ra lớp gặp nhiều khó khăn hơn và chưa tổ chức tái giảng được ngay trong ngày 24/2 vì học sinh đi chơi hội Gầu tào. Đến hết ngày 25/2, tỷ lệ chuyên cần bậc mầm non đạt trên 80%, tiểu học đạt hơn 90%, bậc THCS đạt hơn 70%. Một số trường THCS có tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt trên 50% thuộc các xã: Cao Sơn, Dìn Chin, Tả Gia Khâu..., sau khi chơi hết lễ hội Gầu Tào học sinh phải về nhà chuẩn bị tư trang mới trở lại trường.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương Hoàng Ngọc Chiến cho biết: “Ngay từ ngày 24/2, chúng tôi đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra việc dạy và học ở các xã vùng cao của huyện để kịp thời chỉ đạo các trường khẩn trương huy động học sinh ra lớp, đảm bảo sĩ số. Các giáo viên cũng đã phối hợp với người có uy tín, trưởng thôn, bản đến từng nhà học sinh để vận động”.

Để có được lớp học đông đủ sau Tết như thế này không phải dễ ở huyện Mường Khương.


Ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Mường Nhé, chia sẻ: Xác định sau Tết là thời gian các em học sinh dân tộc, vùng cao nghỉ học vì còn mải chơi, tham gia các lễ hội, ăn Tết kéo dài theo phong tục, tập quán và phụ giúp gia đình. Trước khi nghỉ Tết, Phòng đã có công văn gửi hiệu trưởng tất cả các trường trong toàn huyện thực hiện nghiêm túc lịch nghỉ Tết. Sau thời gian nghỉ Tết, các trường đã tổ chức ngay việc dạy và học theo quy định, không để các hoạt động vui xuân kéo dài ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Yêu cầu các giáo viên trực Tết vừa đi chúc Tết vừa vận động học sinh ra lớp sau khi nghỉ Tết. Hai ngày qua, giáo viên các trường đã tỏa về các thôn bản phối phợp với trưởng thôn bản, các tổ chức đoàn thể tổ chức họp dân để cùng vào cuộc vận động học sinh, phụ huynh cho con trở lại trường. Phòng đã yêu cầu các trường báo cáo sỹ số học sinh trong ngày đầu đi học, nhưng nhiều năm qua học sinh nghỉ học nhiều sau Tết vẫn chưa được cải thiện, sỹ số chỉ đạt 40 - 50%. Ngày đi học thứ 2, đầu năm mới tỷ lệ đến trường ở các cấp học chỉ đạt 55%.

Sau kỳ nghỉ Tết nào cũng vậy, nhiều thầy, cô ở các trường vùng cao lại vất vả đến từng nhà học sinh để vận động các em trở lại trường như thế. Với cố gắng nỗ lực để học sinh đi học sau Tết đầy đủ, hy vọng năm nay, ở những huyện khó khăn, hàng năm luôn có số học sinh nghỉ, bỏ học sau Tết như Mường Nhé, Mường Khương, sẽ có chuyển biến và đạt hiệu quả tích cực.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Đầu xuân nghe nhịp chiêng Êđê Bih
Đầu xuân nghe nhịp chiêng Êđê Bih

Đầu xuân Ất Mùi 2015, chúng tôi về buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) nghe đội chiêng nữ của đồng bào dân tộc Êđê Bih diễn tấu cồng chiêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN