Mộc mạc phiên chợ quê ngày Tết

Ai đã từng sinh ra ở làng quê, dù đi xa, sinh sống ở nơi nào cũng không thể quên hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình và không khí đi chợ sắm Tết mỗi độ Xuân về. Chợ quê, đặc biệt là chợ quê ở Yên Bái dịp Tết Nguyên đán không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tình cảm, thể hiện nét đẹp văn hóa của vùng cao Tây Bắc.


Chợ quê không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, tình cảm của đồng bào vùng cao. Ảnh: Minh Phúc



Cũng giống như các vùng nông thôn khác của Việt Nam, ở tỉnh Yên Bái mỗi xã, mỗi bản hoặc vài xã, vài bản liền kề nhau đều có một cái chợ. Chợ của xã nào, bản nào thì có tên gọi của địa phương nơi đó và được gọi chung là chợ quê hay chợ làng. Chợ quê thường tụ họp trên một mảnh đất rộng và nằm ở vị trí trung tâm của xã, của bản. Cả người mua và người bán hàng đều là dân trong xã, trong bản hoặc các xã, các bản xung quanh. Sản phẩm ở chợ cũng đủ thứ, nhưng hầu hết là “cây nhà, lá vườn” do mồ hôi công sức của người dân quê làm ra. Chợ quê thường họp từ tờ mờ sáng đến nửa buổi thì tan. Chợ ồn ào và náo nhiệt nhất là vào các dịp lễ, tết khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Ở các vùng quê, chợ Tết thực sự bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi ông Công, ông Táo về chầu trời và đông đúc nhất vào ngày 28, 29 và 30 Tết. Chợ quê ngày Tết có hương vị riêng so với chợ quê những ngày thường bởi mùi của hoa quả ngày Tết quyện với mùi của lá dong lá giềng… và mùi thơm ngào ngạt của những thẻ hương trầm vương trong gió xuân man mác.


Bà Nguyễn Thị Cát ở thôn 5, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái chia sẻ: Năm nay bà đã bước sang tuổi 83. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa nên cuộc sống của bà gắn với những phiên chợ nơi đây. Thói quen đi chợ sắm Tết của bà Cát cũng được hình thành một cách tự nhiên, từ trong tiềm thức khi bà còn là một cô bé theo mẹ đi chợ. Với bà, ngày Tết nhất thiết phải có lá dong để gói bánh, chút hoa quả để dâng lên tổ tiên và cái kẹo, cái bánh làm quà cho mấy đứa cháu nhỏ. Hôm nay, vẫn như thường lệ bà lại dậy sớm để đi chợ sắm Tết, để gặp gỡ những người bạn bao năm gắn bó, thân thiết và cũng để cảm nhận không khí Tết đang rộn ràng đã có nhiều đổi thay hôm nay.


Trong màn sương mờ của buổi sáng sớm, chợ quê Văn Phú đã rất đông người qua lại buôn bán, chủ yếu là người dân địa phương và các xã lân cận của tỉnh Phú Thọ. Chợ quê Văn Phú được hình thành từ Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thuộc phủ Trấn Yên và nay đã sáp nhập về thành phố Yên Bái. Đây là chợ duy nhất còn họp theo phiên trên địa bàn thành phố. Chợ có tên là Văn Phú nhưng thực chất thuộc địa giới quản lý của xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái. Có vị trí đắc địa, “trên bến, dưới thuyền” lại tiếp giáp với ga tàu hỏa nên chợ quê Văn Phú đã trở thành nơi giao thương hàng hóa của nhiều người dân vùng hạ huyện Trấn Yên, Yên Bình và vùng giáp ranh tỉnh Phú Thọ. Trải qua nhiều biến động lịch sử nhưng chợ Văn Phú vào dịp Tết vẫn giữ được hồn cốt của một phiên chợ quê xưa với những bãi đất trống bày bán lá dong và hình ảnh những bà cụ lưng còng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa tìm mua những vật dụng cần thiết. Chợ quê Văn Phú có nét riêng, chợ chỉ họp 9 phiên một tháng vào các ngày 3, ngày 6 và ngày 9 theo Âm lịch tức ngày 3, 6, 9, 13, 16, 19, 23, 26 và 29. Đặc biệt, vào dịp giáp Tết Nguyên đán chợ Văn Phú sẽ họp thêm các ngày liên tiếp từ ngày 27 đến ngày 30 tháng Chạp. Dù cuộc sống có đổi khác, nhưng ngoài những vật dụng của thời hiện đại thì chợ quê Văn Phú vẫn bày bán các mặt hàng nông sản do chính bàn tay của người nông dân nơi đây làm ra từ mớ rau, con cá đến cái rổ, cái rá hay những vật dụng lao động khác.


Ông Nguyễn Đình Tính ở thành phố Yên Bái kể lại: Ông đã gắn bó với chợ Văn Phú cả chục năm nay. Hàng hóa ông bán đều là những nông sản được ông thu mua của chính người dân trong vùng. Vào những phiên chợ Tết, sạp hàng của ông nhộn nhịp, tấp nập hơn so với những phiên chợ ngày thường. Với ông, đi chợ bán hàng không chỉ để mưu sinh mà còn để được gặp gỡ anh em, bạn bè, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Dù ai mua ít, hay mua nhiều thì ông Tính vẫn luôn vui vẻ, niềm nở. Cũng chính bởi vậy mà cả vùng quê này không ai là không biết đến sạp hàng của ông.


Các phiên chợ quê ở Yên Bái mang đặc trưng chung của các phiên chợ quê trong cả nước nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp riêng của núi rừng Tây Bắc với những phiên chợ vùng cao. Đó chính là bức tranh thu nhỏ với những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Các phiên chợ quê ngày Tết ở vùng cao thường đông hơn so với ngày thường. Bởi đây là dịp để đồng bào các dân tộc bày bán những sản vật của núi rừng và những sản phẩm do tự tay họ làm ra như chiếc khăn thổ cẩm, những bộ váy xòa đủ màu sắc và những chiếc mũ nồi… Phiên chợ quê ngày Tết ở vùng cao cũng trở nên đặc biệt hơn, bởi đây cũng chính là dịp để những đôi trai gái xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc được gặp gỡ, hò hẹn và gắn kết tình người. Chẳng vậy mà, với mỗi người dân tỉnh Yên Bái đi chợ Tết là một thú vui, nhiều người dù không chủ ý mua gì vẫn cứ thích đi chợ để cảm nhận không khí Tết đang về và sự đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước.


Chợ quê ngày Tết không chỉ là nơi buôn bán, hò hẹn mà còn là nơi để mỗi người dân có thể hồi tưởng về những ký ức năm xưa, một góc bình lặng giữa những ồn ào, vội vã của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chợ quê ngày Tết ở các thôn, bản của tỉnh Yên Bái còn là nơi để mỗi người dân có thể thưởng thức những món bánh dân dã gắn với tuổi thơ. Mấy ai có thể quên mùi hương hấp dẫn của những chiếc bánh chưng, bánh rán nghi ngút khói quyện với mùi bánh đúc xen lẫn mùi tương thơm ngậy… Có lẽ bởi vậy, phiên chợ quê có sức lôi cuốn kỳ diệu mà bất cứ ai cũng muốn tìm về.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái cho biết: Chợ quê ngày Tết ở Yên Bái trở nên đặc biệt hơn chợ ngày thường khi chợ có thêm những sạp hàng quần áo, những hàng bán lá dong, lạt giang và những mặt hàng thời hiện đại. Các mặt hàng ở chợ quê cũng thường có giá rẻ hơn các mặt hàng cùng loại nhưng được bày bán trong các siêu thị hay chợ thành phố. Bởi hầu hết các mặt hàng ở chợ quê đều của người nông dân một nắng hai sương tự tay làm ra. Không khí ở chợ quê cũng gần gũi, thân quen hơn bởi những người đi chợ mua sắm đều là người trong làng, trong xóm, ai cũng biết nhau. Có lẽ vậy mà giữa sự ồn ào của thời kỳ hiện đại, chợ quê ngày Tết ở Yên Bái vẫn không vì thế mà mất đi những nét cổ xưa.


Năm tháng qua đi nhưng hình ảnh những phiên chợ quê vẫn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Chợ quê ngày Tết chính là nơi để mỗi người có thể tìm về và cảm nhận sâu sắc hơn sự gắn bó với cộng đồng, sự giao hòa của đất trời, vạn vật khi mùa xuân đang tràn về trên khắp quê hương, xứ sở.


Đức Tưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN