Tuyên Quang: Bảo đảm các điều kiện học tập cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đến nay Tuyên Quang đã thành lập được 4 trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp Trung học cơ sở - Trung học phổ thông và chuyển đổi 20/26 trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc bán trú.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – Trung học sơ sở huyện Yên Sơn hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. 

Kế hoạch nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc, giáo dục tại trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, góp phần duy trì kết quả phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2023 - 2024, Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hàm Yên có 486 học sinh; trong đó cấp Trung học cơ sở 288 em, cấp Trung học phổ thông 198 em. Để bảo đảm cho các em học sinh nội trú có điều kiện học tập tốt nhất, nhà trường được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học, 24 phòng nội trú, nhà bếp và nhà ăn cho học sinh khối Trung học phổ thông với kinh phí hơn 17 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự kiến năm học 2024 - 2025, các công trình trên sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Chung, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hàm Yên cho biết, trường luôn được đánh giá có chất lượng học tập cao trong hệ thống các trường nội trú nói riêng và các trường trong tỉnh nói chung. Tuy nhiên, khi trường được phát triển thành trường liên cấp, do thiếu các phòng chức năng, phòng ở cho học sinh cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, ký túc xá, tạo điều kiện cho các em được học tập, có chỗ ăn, chỗ ở tốt hơn, chắc chắn chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ được nâng cao hơn nữa.

Tới thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của thầy và trò nhà trường khi các phòng chức năng, phòng ở cho học sinh đang bước vào giai đoạn hoàn thiện để bàn giao đưa vào sử dụng trong năm học tới. Năm 2023, nhà trường được đầu tư xây dựng 9 phòng bộ môn, 14 phòng ở với tổng trị giá 14,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, nhà trường còn được đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng nhà hiệu bộ và mua sắm trang thiết bị.

Em Tạ Thanh Ngà, lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Linh Phú chia sẻ, khi nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, học sinh được tiếp cận với những thiết bị mới và điều kiện ăn ở, học tập tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng học tập.

Ông Lê Đức Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa cho hay, huyện đã thành lập được 8 trường bán trú và có 10 trường có học sinh ở bán trú. Các trường học đã thực hiện tốt công tác giáo dục và nuôi dạy trẻ, đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số. Các em đến trường có điều kiện ăn, ở, học tập và được làm quen với các trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh công tác giảng dạy, các trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giúp các em có mối quan hệ hài hòa với các đồng bào dân tộc khác và được các thầy cô nuôi dạy như con em trong gia đình mình.

Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Chú thích ảnh
Học sinh đọc sách tại khu vực đọc ngoài trời của Thư viện Cầu vồng, Trưởng Tiểu học Tứ Quận, huyện Yên Sơn. 

Nhằm tăng tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được chăm sóc, giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay Tuyên Quang đã có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú và 39 trường phổ thông dân tộc bán trú với gần 23.000 học sinh, trong đó có hơn 21.100 học sinh dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021 - 2024, UBND các huyện trong tỉnh đã tích cực huy động, lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 184 phòng ở bán trú, 11 nhà ăn, 12 công trình vệ sinh nước sạch, 188 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị trên 192 tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Cảnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang khẳng định, để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, hàng năm Sở chỉ đạo các trường học xây dựng, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời tổ chức khảo sát, phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch dạy học, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đúng đối tượng học sinh. Các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú tổ chức tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và hoạt động tự học của học sinh, rèn luyện cho học sinh có ý thức và kỹ năng tự học hiệu quả. Công tác nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nâng cao vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia ủng hộ của các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Cùng đó, tỉnh sắp xếp, điều chỉnh, bố trí biên chế, điều động giáo viên cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định.

Tuyên Quang tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh dân tộc thiểu số, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Đặc biệt, tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác, nội trú, bán trú.

Quang Cường (TTXVN)
Đảm bảo hiệu quả đầu tư trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đảm bảo hiệu quả đầu tư trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tiếp tục Phiên họp thứ 32, chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN