TP Hồ Chí Minh đưa âm nhạc dân tộc vào trường học

Nhằm hướng các em tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc, phát huy những cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc dân tộc trong những năm qua nhiều trường ở TP Hồ Chí Minh đã tổ chức những buổi diễn văn nghệ, thi múa tập thể, múa dân vũ... Tuy nhiên, để nhân rộng và đưa âm nhạc dân tộc vào trong trường học thì vẫn còn nhiều gian nan.

Hướng học sinh về âm nhạc dân tộc

Dù chưa có một mô hình cụ thể cho hoạt động phổ biến âm nhạc dân tộc vào trường học, nhưng trong những năm qua ở các trường tại thành phố đã có nhiều hoạt động đưa âm nhạc dân tộc gần với học sinh hơn như: Tổ chức giao lưu giới thiệu về âm nhạc dân tộc, nhiều trường còn xây dựng Câu lạc bộ âm nhạc dân tộc, giáo viên tổ chức tập luyện cho các em biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các dịp liên hoan lễ hội của nhà trường...

Giáo viên tổ chức tập luyện cho các em biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Để giới thiệu âm nhạc dân tộc đến học sinh, Trường Tiểu học Nguyễn Bình Khiêm vào các buổi chào cờ các lớp sẽ luân phiên nhau biểu diễn văn nghệ theo chủ đề, học sinh sẽ trình diễn các làn điệu dân ca, câu hò điệu lý và trình diễn các tiết mục bằng nhạc cụ dân tộc. Song song đó, nhà trường còn đầu tư cả phòng âm nhạc với các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, nhị...

Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng của trường cho biết, nhà trường đã thành lập và duy trì câu lạc bộ "Em yêu làn điệu dân ca". Hàng năm nhà trường đều mời các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn và giao lưu với học sinh, hướng dẫn các em biểu diễn và định hướng nghệ thuật, giới thiệu nguồn gốc các loại nhạc cụ để giáo viên và học sinh biết.

"Ngoài giờ học chính khóa vào các buổi thứ 2, nhà trường cũng có những hoạt động giới thiệu âm nhạc dân tộc cho học sinh. Trong các tiết dạy nhạc tăng tiết, giáo viên chú trọng việc giới thiệu với học sinh các bài hát thuộc thể loại dân ca", cô Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết thêm.

Còn tại trường THPT Bình Phú (quận 6) học sinh ở đây được giao lưu với các nghệ sĩ những người có cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc. Các buổi giáo dục ngoài giờ lên lớp, các chủ đề âm nhạc dân tộc cũng được lồng ghép vào. Cô Thu Giang, Trường THPT Bình Phú, chia sẻ: “Tổ văn của trường đã lồng ghép nội dung âm nhạc dân tộc trong phần văn học dân gian ở khối 10. Trong những tiết học về văn học dân gian chúng tôi cho các em xem, nghe những làn điệu dân ca, hát quan họ, chèo tuồng, các vở diễn sân khấu hóa các thể loại văn học dân gian. Không chỉ được xem mà các em còn được hóa thân vào các tác phẩm và biểu diễn trực tiếp".

Theo cô Trần Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Linh (quận 8), mục đích chính của chúng ta không phải đào tạo các nhạc sĩ, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc mà chủ yếu giáo dục thẩm mỹ âm nhạc dân tộc cho các em, giúp các em cảm thụ được âm nhạc dân tộc để các em hiểu được âm nhạc dân tộc. Không nên tập trung quá nhiều vào năng khiếu của các em như sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ, như dạy cho các em trước hết là nhận biết loại hình nhạc cụ dân tộc, cách sử dụng, cách chơi như thế nào nó sẽ phù hợp hơn…

Nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học” từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Theo dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020” của UBND thành phố, lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn tìm hiểu thị hiếu âm nhạc và thành lập câu lạc bộ (năm 2016 - 2018); giai đoạn nghe, nhận biết, thưởng thức và có cảm xúc về âm nhạc dân tộc (năm 2018 - 2019); giai đoạn thực hành biểu diễn âm nhạc dân tộc (2019 - 2020). Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước cấp phối hợp với các nguồn đóng góp xã hội hóa.

Ông Bùi Anh Tôn, chuyên viên phụ trách bộ môn âm nhạc của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch đưa âm nhạc dân tộc đến với học sinh tuy chia nhiều giai đoạn khác nhau nhưng vẫn là một việc làm thống nhất. Nhà trường và giáo viên có thể vận dụng sáng tạo một cách rất nghệ thuật kết hợp với trò chơi dân gian, hát dân ca, tranh dân gian… để tô đậm bản sắc và truyền thống dân tộc cho tuổi thơ các em.

Còn nhiều khó khăn

Với những hoạt động trên, âm nhạc dân tộc trong trường học bước đầu cũng đạt được một vài thành quả. Cô Thùy Liên, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho biết, trong thời gian qua các trường tiểu học và THCS tại quận 12 đã thực hiện việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, đa số học sinh đã biết sử dụng thanh phách, song loan để gõ đệm nhiều âm sắc trong tiết học âm nhạc. Nhiều học sinh đã nắm vững các loại nhạc cụ dân tộc và yêu thích các loại nhạc cụ này.

Việc đưa âm nhạc dân tộc vào trong trường học là một chủ trương đúng nhưng để có thể nhân rộng ra tất cả các trường các cấp thì môn học này lại gặp nhiều rào cản. Khó khăn lớn nhất hiện nay khi đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường chính là đội ngũ giáo viên còn thiếu và chất lượng giáo viên âm nhạc không đồng đều. Không ít giáo viên âm nhạc hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu về năng lực phẩm chất và năng lực sư phạm. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, số giáo viên dạy nhạc ở các trường tiểu học hiện nay là 557 giáo viên/514 trường nhưng chuyên ngành âm nhạc dân tộc không có giáo viên, chỉ có 96 giáo viên biết sử dụng dụng cụ nhạc dân tộc.

Cô Lâm Hồng Lãm Thúy chia sẻ: Việc đưa âm nhạc dân tộc vào trong nhà trường hiện nay vẫn còn một số những khó khăn nhất định như không có đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp để giảng dạy. Nhà trường cũng không đủ kinh phí để trả cho đội ngũ giáo viên dạy chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường không mở được các lớp nhạc cụ dân tộc vì không có hoặc rất ít học sinh đăng ký.

Còn đối với các trường THPT trong chương trình chính khóa không có môn học nhạc nên việc đưa âm nhạc dân tộc đến học sinh cũng gặp nhiều rào cản. Các em tập trung vào học chữ, ít có thời gian tham gia đều đặn các hoạt động này dù các em có yêu thích. Bên cạnh đó, chỉ có một số rất ít bài hát dân ca được đưa vào giảng dạy, không đủ cung cấp cho các em những hiểu biết sâu sắc về hệ thống kho tàng âm nhạc dân tộc. Cô Thu Giang cho biết, kinh phí nhà trường còn eo hẹp trong khi đó các hoạt động văn nghệ và giáo dục âm nhạc lại đòi hỏi nhiều kinh phí. Đại diện Trường THPT Trưng Vương cho rằng, trong thời gian qua, việc đưa âm nhạc dân tộc vào trong các trường ở khối THPT tùy vào lãnh đạo cũng như điều kiện của từng trường, thời gian của các em cũng hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả của việc đưa âm nhạc dân tộc đến các học sinh đã rõ nhưng áp dụng đại trà cho các trường học thì rất khó. Nhiều trường đã lồng ghép âm nhạc dân tộc vào các tiết học nhưng không phải trường nào cũng làm, họ làm rất đơn lẻ cho nên phải có kế hoạch lộ trình cho 3 cấp học. Sở nên phối hợp với hội âm nhạc thành phố để tổ chức các buổi quảng bá âm nhạc dân tộc có các nghệ sĩ lớn vì không phải trường nào cũng có đủ kinh phí để mời các nghệ sĩ tới nói chuyện.
Bài và ảnh: Đan Phương
Chiến lược để bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc
Chiến lược để bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc

Nhã nhạc Huế, ca trù, hát xoan lần lượt được vinh danh di sản văn hóa thế giới. Nhưng không dễ bảo vệ, cũng như phát huy di sản này. Một chiến lược bảo tồn đồng bộ cần được cân nhắc và thực hiện nghiêm túc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN