Sẽ tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và AUF

Nhân Ngày quốc tế Pháp ngữ, ông Bernard Cerquiglini, Giám đốc Cơ quan Đại học Pháp ngữ đã trả lời phỏng vấn phóng viên về vai trò của AUF trong sự phát triển hợp tác đại học với Việt Nam, cũng như vai trò của các trường đại học và cao đẳng thành viên của AUF trong lĩnh vực này.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Ông Bernard Cerquiglini, Giám đốc Cơ quan Đại học Pháp ngữ.


PV:
Thưa Ngài giám đốc, AUF đã đến Việt Nam từ năm 1993, là thời điểm mở văn phòng khu vực tại Hà Nội, đến nay, AUF có chính sách nghiên cứu khoa học như thế nào để giúp cho sự phát triển của các trường đại học của Việt Nam?


Ông Bernard Cerquiglini: Tôi xin được điểm lại sự hợp tác đại học giữa Việt Nam và AUF. Tôi nhấn mạnh từ "hợp tác" vì cách đây 50 năm, Cơ quan này còn là một liên hiệp nhằm giúp đỡ các trường đại học của những nước đang phát triển, mới giành được độc lập và có mong muốn được hỗ trợ. Vì mục đích này mà AUF đã sáng lập tại Việt Nam một viện và các chi nhánh đào tạo tiếng Pháp. AUF đã trao các học bổng cho giáo viên và sinh viên phục vụ trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu thuộc các ngành được ưu tiên tại Việt Nam và khu vực.

Ví dụ như trong năm 2012, AUF đã trao 69 học bổng cho những sinh viên Việt Nam có mong muốn học tiếp lên thạc sĩ ở nước ngoài. AUF cũng trao 42 học bổng cho sinh viên những nước khác đến học tập tại Việt Nam. Đây là một ví dụ tốt đẹp về sự hợp tác đại học mà AUF hỗ trợ và đã được các trường thành viên phát huy. Việt Nam đã đóng trọn vẹn vai trò của mình trong sự hợp tác đại học có ý nghĩa lớn lao này.

PV:Các đối tác đại học Việt Nam, thành viên của AUF, tham gia ở mức độ như thế nào vào sự lan tỏa của tổ chức đại học trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương?

Ông Bernard Cerquiglini: Chúng tôi đã cùng với các trường tổ chức 5 hội nghị chuyên đề vào năm 2011, để xác định những nội dung ưu tiên thuộc lĩnh vực y tế, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, và cũng để đưa ra những phương hướng về đào tạo và nghiên cứu. Theo đề nghị từ phía các đồng sự Việt Nam, chúng tôi đã đặt ra các chương trình đa ngôn ngữ, đưa vào nội dung của nó những học trình đào tạo nghề để sinh viên có thể sớm có được một nghề nghiệp.

Tháng 10/2012, Việt Nam đã đón nhận hơn 100 vị giám đốc và chủ tịch, đại diện cho khoảng 80 trường đại học và cao đẳng đến từ Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Tân Caledonie, Thái Lan, Vanuatu. Các trường đại học của Việt Nam cũng mở rộng quan hệ trong vùng qua những trao đổi hợp tác. Và quan hệ mở này còn thể hiện qua sự sẵn sàng tiếp nhận đào tạo những sinh viên thuộc những khu vực không nằm trong khối Pháp ngữ, ở châu Á- Thái Bình Dương, Trung Âu và cả châu Phi, nếu các bạn muốn đến học tập tại Việt Nam. Xu hướng này đã được hình thành từ gần 20 năm nay và nó là sự vinh danh hệ thống đào tạo đại học của Việt Nam, thể hiện sự năng động của hệ thống này.

PV: "Tiếng Pháp, ngôn ngữ của thành công tại châu Á" là khẩu hiệu của Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương, nhằm quảng bá tiếng Pháp trong khu vực. Cụ thể hơn thì AUF có chính sách gì về sử dụng tiếng Pháp trong một môi trường cạnh tranh về ngôn ngữ nói chung và trong khu vực nói riêng?

Ông Bernard Cerquiglini: Khẩu hiệu "Tiếng Pháp, ngôn ngữ của sự thành công", đã được chính các đối tác đại học phía Việt Nam đặt ra, xuất phát từ những cuộc điều tra về việc làm của những sinh viên tốt nghiệp từ những chi nhánh Pháp ngữ, cho thấy tiếng Pháp là một ngôn ngữ của sự thành công nghề nghiệp: 50% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm ngay, 98% sau một năm và có tới 48% sinh viên đã ký được hợp đồng lao động trước khi kết thúc khóa học.

Từ lúc đào tạo đại học đi theo định hướng đa dạng ngôn ngữ, với chính sách nghiên cứu khoa học của AUF là không chống lại tiếng Anh mà ưu tiên cách tiếp cận đa ngôn ngữ, thì điều đó càng cho thấy tiếng Pháp là một ngôn ngữ của sự thành công.

Điều đó lí giải tại sao các chi nhánh của chúng tôi đều có 3 ngôn ngữ: ngoài tiếng Việt ra thì cả tiếng Anh và tiếng Pháp cùng được học tập để sinh viên dễ tìm việc làm hơn.  Ba ngôn ngữ này mở ra cơ hội thương mại, khoa học, sự phát triển và trao đổi văn hóa. Trong cơ cấu đa dạng ngôn ngữ này, tiếng Pháp được coi như một giá trị gia tăng.

PV: Toàn cầu hóa hiển nhiên là có tác động lên đào tạo đại học. Ông phân tích như thế nào về những tác động này?

Ông Bernard Cerquiglini: Cách đây 20 năm, nhiều nước còn hoàn toàn tự cung về đào tạo đại học. Đến nay, khi tôi nói chuyện với một vị hiệu trưởng người Việt Nam, châu Phi, Quebec hay Bỉ, tôi đều nghe họ nói: Phải mở cửa ra quốc tế để giúp cho sinh viên năng động hơn, tạo điều kiện đào tạo các nhà khoa học trẻ.

Việt Nam là một tấm gương về mặt này, qua những hiệp định hợp tác với các trường đại học của Pháp, châu Phi, Quebec hay Li-băng. Những hiệp định này dành cho sinh viên khắp nơi trên thế giới và tham gia đầy đủ vào tiến trình toàn cầu hóa của đào tạo đại học.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa tạo ra một cuộc cạnh tranh làm cho sự tương trợ và hợp tác trở nên cần thiết hơn: không một trường đại học nào có thể đơn độc mở cánh cửa ra quốc tế cũng như tự mình phát triển trên trường quốc tế. Chính sự hợp tác mà chúng tôi gây dựng trong lòng AUF từ hơn 50 năm qua đáp ứng được yêu cầu trên: sinh viên, giáo viên và nhà nghiên cứu chung tay tạo nên một cộng đồng nói tiếng Pháp vững chắc, lấy nền tảng là những giá trị như tình hữu nghị, tương trợ để đối thoại với những cộng đồng khác. Như vậy, AUF là một câu trả lời bền vững cho yêu cầu toàn cầu hóa của đào tạo đại học.


Tổ chức AUF là gì?


Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) được thành lập năm 1961 dưới hình thức một liên hiệp các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp, đến năm 1989 thì trở thành thành viên của Tổ chức Pháp ngữ, đóng vai trò cơ quan chuyên trách về đào tạo đại học và nghiên cứu. 


Để thực hiện các hoạt động của mình tại Đông Nam Á, AUF dựa vào một mạng lưới các đơn vị bao gồm một văn phòng khu vực đặt tại Hà Nội và 4 chi nhánh đặt tại TP Hồ Chí Minh, một Viện Pháp ngữ tại Hà Nội và khu học xá Pháp ngữ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.




Bài, ảnh: Lê Hà và Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)



Việt Nam góp phần tích cực phát triển Cộng đồng Pháp ngữ
Việt Nam góp phần tích cực phát triển Cộng đồng Pháp ngữ

Nhân Ngày quốc tế Pháp ngữ (20/3), Đại sứ Dương Văn Quảng, Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ, đã trả lời phỏng vấn về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong việc phát triển cộng đồng Pháp ngữ, nhất là trong việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN